Hà Nội: Siết chặt quản lý nguồn thải phát sinh và khí thải gây ô nhiễm

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy về 'Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo', công tác phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh và kiểm soát nguồn khí thải gây ô nhiễm đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ trên, thành phố đã hoàn thành nghiên cứu và đề xuất được mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn từ 34 đến 37 trạm quan trắc. Đồng thời, triển khai thực hiện thành công mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ tại địa bàn xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng), từ đó nhân rộng mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ trên toàn địa bàn thành phố.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, triển khai thực hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, 7 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố đã trồng được hơn 341.918 cây xanh. Tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã trồng được 844.396 cây xanh, đạt 84,4% mục tiêu Chương trình. Ngoài ra, đang triển khai trồng cây keo tạo không gian xanh giúp cải tạo môi trường trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn thành phố...

Trong khuôn khổ Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tác giao thông và ô nhiễm môi trưòng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”, thành phố cũng đã triển khai 6 nhóm giải pháp với 45 nhiệm vụ được thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Giai đoạn 2017 - 2020:

Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Còn giai đoạn 2020 - 2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh và kiểm soát nguồn khí thải gây ô nhiễm, thành phố tập trung phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; quản lý thống nhất việc sửa chữa, cải tạo đường sá và các hệ thống công trình ngầm trên địa bàn thành phố; áp dụng các công nghệ mới trong đầu tư xây dựng để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thiểu ô nhiễm...

T.Quang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-nguon-thai-phat-sinh-va-khi-thai-gay-o-nhiem-121688.html