Hà Nội: Siết chặt quản lý kê đơn và bán thuốc

Ra ngõ gặp nhà thuốc và tình trạng kê đơn, bán thuốc tràn lan đang là vấn nạn tại Việt Nam. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đang phối hợp với các ban ngành vào cuộc siết chặt mạnh tay.

Lạm dụng thuốc và mua bán tràn lan

Thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị chữa bệnh. Tuy nhiên, thuốc cũng là “con dao hai lưỡi”, có những tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc tự ý sử dụng sẽ gây ra những hậu quả không chỉ kéo dài thời gian điều trị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, chiếm 88% ở thành thị, 91% ở nông thôn. Kháng sinh đóng góp 13,4% ở thành thị và 18,7% ở nông thôn trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.

Một cuộc khảo sát bệnh nhân ở 11 quốc gia trên toàn thế giới cho thấy 22,3% số bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng cấp tính tại cộng đồng thừa nhận không tuân thủ đầy đủ liệu trình. Nhiều bệnh nhân dùng liều thấp hơn hoặc chỉ dùng trong thời gian ngắn ba ngày thay vì năm ngày... Việc tự ý sử dụng thuốc sẽ gây ra nhiều tác hại về bệnh tật, tăng tỷ lệ nhập viện, tử vong...

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết: “Thực trạng kê đơn và sử dụng thuốc ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc tiêm, vitamin, kê quá nhiều thuốc cho một đơn thuốc. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh”.

Nguyên nhân chủ quan là do chủ sở hữu nhà thuốc muốn tối đa hóa doanh thu. Người dân có thói quen tự ý mua thuốc, không khám bệnh để tránh sự phiền hà, tốn kém... cũng dẫn tới khó quản lý, kiểm soát, hậu kiểm với việc bán thuốc phải kê đơn.

Mặc dù ngành y tế đã có nhiều văn bản quy định về kê đơn và bán thuốc kê đơn được phổ biến và quán triệt, thậm chí hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc còn là hành vi bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc quá lớn trên địa bàn trong khi nhân lực của cơ quan quản lý còn hạn chế. Chế tài xử phạt đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Việc tự ý sử dụng thuốc sẽ gây ra nhiều tác hại về sức khỏe...

Quản mạnh tay

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã có Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 nhằm tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú và bán thuốc kê đơn, trong đó tập trung kiểm soát kê đơn kháng sinh và bán thuốc kháng sinh.

Theo nội dung Đề án, từ năm 2020, sẽ tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Theo đó, 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác. Đồng thời, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.

Từ nay đến 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Nhằm hiện thực hóa nội dung đề án, ngày 10/7, Văn phòng UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành công văn số 5272/VP-KGVX đề nghị sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”.

Công văn nêu rõ, các đơn vị cần thực hiện đúng quy định lộ trình đối với các loại hình cơ sở bán lẻ thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.

Đặc biệt cần có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến người dân và các cơ sở y tế trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc mua thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo việc bán thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc.

Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn có phương án đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, không để xảy ra tình trạng người dân không mua được thuốc kê đơn do không có đơn của thầy thuốc. Có các biện pháp bảo vệ các cơ sở bán lẻ thuốc khi yêu cầu người mua thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc, trong trường hợp cần thiết, có thể thiết lập đường dây nóng để kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh. Chủ động phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý nhà thuốc trên địa bàn để triển khại ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-ke-don-va-ban-thuoc-77811.html