Cần cơ chế đặc thù để địa phương thoát khỏi 'tấm chăn' ngân sách

Thảo luận trực tuyến về cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, có đại biểu Quốc hội cho rằng, trong khó khăn, khi phải co kéo trong 'tấm chăn' ngân sách hẹp, thì càng cần cơ chế đặc thù để địa phương đủ mạnh, không phải co kéo nữa.

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Cân nhắc cơ chế đặc thù để liên kết vùng

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết. Theo ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái), thực hiện nghị quyết này sẽ tạo cơ chế, thêm nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương thu hút đầu tư, tạo động lực và lan tỏa cho các địa phương khác theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, trong đó HĐND thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí trừ án phí, lệ phí tòa án. ĐB Nguyễn Quốc Luận đồng tình với quy định nêu trên, song đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện nhất là năm 2022, khi chúng ta phục hồi kinh tế sau đại dịch, bối cảnh các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn khi đóng thuế, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vận tải.

Đại biểu Lê Thanh Vân: Nếu không có cơ chế đặc thù, khó kích hoạt các địa phương phát triển. Ảnh: QH.

Về áp dụng cơ chế đặc thù cho 4 địa phương, ĐB cho rằng, hiện nay có nhiều địa phương đang rất khó khăn, nên ĐB băn khoăn, liệu việc thực hiện cơ chế đặc thù cho các địa phương này có dẫn đến sự cạnh tranh không bình đằng giữa các địa phương hay không. Do đó, ĐB đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn, để có sự cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề liên quan.

Đồng tình với các ĐB phát biểu trước đó, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, về chủ trương, không phủ nhận sự cần thiết khi ban hành cơ chế đặc thù cho các địa phương. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách hoạch định các cơ chế chính sách nhằm đặt các cơ chế đặc thù trong tương quan với toàn bộ chính sách pháp luật cũng như trong tương quan phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

“Nếu được thông qua sẽ có 7 tỉnh, thành được Quốc hội thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù. Nếu Nghị quyết đi vào cuộc sống, thì cũng vừa trong 3 năm thực hiện Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển. Đồng thời, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá, quy hoạch tổng thể quốc gia là cầu nối giữa chiến lược và kế hoạch, là định hướng chiến lược phân bố phát triển và tổ chức không gian của các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau 3 năm có hiệu lực với nhiều kỳ vọng thì vào tháng 3 năm nay, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trình thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù lần này đã hoàn thành hay chưa việc xây dựng quy hoạch địa phương mình và nếu chưa thì cơ chế đặc thù này sẽ ảnh hưởng như thế nào khi các tỉnh thực hiện quy hoạch?”- ĐB Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi.

Phải có cơ chế đủ mạnh, tạo đà bứt phá cho địa phương

ĐB Phạm Trọng Nhân cũng đặt ra một số vấn đề, như: Cơ chế thí điểm mang tính ngắn hạn còn quy hoạch là dài hạn. Khi xây dựng quy hoạch các vấn đề quy định trong nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù sẽ được xử lý như thế nào, quy hoạch có trước hay cơ chế chính sách đặc thù có trước, cái nào phụ thuộc cái nào? Hay như cơ chế đặc thù cho các địa phương nằm ở đâu trong Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong cơ cấu kinh tế, có cơ cấu lãnh thổ, kinh tế là nội dung cách thức liên kết; khi ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương chúng ta đã tính toán đến sự liên kết giữa các địa phương này với các tỉnh, thành lân cận hay chưa?

Theo ĐB, các địa phương hưởng đặc thù sẽ đóng vai mới như thế nào trong chiến lược liên kết vùng hay cũng chỉ là “1 trong 63”. Nếu nhìn lại 16 địa phương có kết dư, điều tiết ngân sách về Trung ương, thì chỉ có Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng là các thành phố được trao cơ chế đặc thù để phát triển.

Để chính sách được thực thi hiệu quả, ĐB Phạm Trọng Nhân đề nghị, kèm theo dự thảo nghị quyết cần có các chương trình, đề án, như cam kết hiệu quả của Nghị quyết, “đáp ứng niềm tin mà gần 500 đại biểu tin trao cho các địa phương”.

ĐB Hoàng Văn Hữu (Bắc Kạn) đề nghị cần tính đến các yếu tố các địa phương là các tỉnh miền núi điều kiện còn khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Trong thực hiện chính sách cần tránh tình trạng tỉnh nào mạnh, tỉnh nào được quan tâm thì được ưu ái. “Chính phủ nên mở rộng cho các địa phương đại diện các vùng miền khác nhau, đại diện vùng có 1-2 địa phương thực hiện thí điểm, tổ chức tổng kết đánh giá, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh”, ĐB Hoàng Văn Hữu nói.

ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) bày tỏ băn khoăn khi mức dư nợ vay hiện nay của các địa phương này hiện nay đều chưa sử dụng hết. Do đó, cần làm rõ hạn mức, nguồn trả nợ vay… tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết và mức độ trả nợ vay của các địa phương.

Ở điểm cầu địa phương, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, chính sách đặc thù cần quan tâm đến các địa phương đang phấn đấu đến 2025 tự cân đối được ngân sách và năm 2030 điều tiết ngân sách về trung ương. Theo ĐB đây là các địa phương rất cần cơ chế đặc thù, cần chính sách để rút ngắn thời gian phấn đấu.

“NSNN tiếp tục khó khăn do diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, điều tiết về NSNN theo quy định của Luật là hết sức vất vả. “Tấm chăn” ngân sách eo hẹp, kéo bên này thì co lại bên kia, nên chúng ta cần cân nhắc các chính sách có thể làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách”, ĐB Nguyễn Tạo thẳng thắn nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Tạo. Theo nữ ĐB, cần thiết phải ban hành nghị quyết, đây là hướng đi đúng, phù hợp với sự phát triển bền vững. Muốn các địa phương phát triển, có tiềm lực kinh tế lớn, thì cần cơ chế đủ mạnh để tạo đà bứt phá.

“Đúng là trong bối cảnh khó, phải co kéo trong “tấm chăn” ngân sách, nhưng cũng cần những cơ chế đặc thù, có những địa phương đủ mạnh để thoái khỏi “tấm chăn đó, mà không phải co kéo nữa”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Theo nữ ĐB, việc lựa chọn 2 địa phương Thanh Hóa và Nghệ An là hoàn toàn hợp lý. Đây là các tỉnh lớn, nếu tạo động lực sẽ thúc đẩy phát triển địa phương, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Nếu không có đặc thù, khó kích hoạt địa phương phát triển

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đã bấm nút tranh luận một số ý kiến phát biểu trước đó. ĐB đã làm rõ hơn những băn khoăn về lo ngại cơ chế xin cho, bất bình đẳng và ban hành cơ chế đặc thù đồng loạt như lo ngại của một số ĐB trước đó.

“Chúng ta có 63 tỉnh, thành phố, như là Tổ quốc ta có 63 người con, nhưng năng lực, khả năng, tiềm năng lợi thế khác nhau. Trừ Luật Thủ đô ra, thì 62 tỉnh chung một nền tảng pháp lý, nếu không có cơ chế chính sách đặc thù, riêng biệt thì khó kích hoạt các địa phương phát triển theo lợi thế tiềm năng. Trong khi nền tảng pháp lý chưa có thì phải có cơ chế thí điểm”, ĐB Lê Thanh Vân nói.

Nhắc đến cơ sở pháp lý, theo ĐB, đã có một loạt các nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép, Hiến pháp cho phép QH được đặt ra các quy tắc ở tầm các đạo luật, cho phép QH được ban hành nghị quyết thí điểm khi các luật chưa quy định. “Về cơ sở thực tiễn, lấp ló ở nhiều địa phương, chưa xé rào thì phải tạo cơ chế thí điểm”, ĐB Lê Thanh Vân nói./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-co-che-dac-thu-de-dia-phuong-thoat-khoi-tam-chan-ngan-sach-94235.html