Hà Nội sẽ xây dựng một số công trình văn hóa mang có tầm cỡ khu vực và thế giới

Kế hoạch của UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu sẽ hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của TP.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “TP vì hòa bình”, “TP sáng tạo”. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của TP.

Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Thiết kế, Ấm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời, quan tâm phát triển các ngành Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản, Thời trang...

Nhà hát lớn TP Hà Nội.

Nhà hát lớn TP Hà Nội.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững…

Hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của TP

Nội dung thực hiện gồm 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó đáng chú ý, Hà Nội sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa nhất là các dự án có tính chất nền tảng, chiến lược.

Nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi di sản công nghiệp, biệt thự cũ, di sản đô thị... thành các không gian sáng tạo văn hóa mới phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa; Xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đặc thù đối với các khu vực phố cổ, phố cũ, làng cổ, khu vực hai bên bờ sông Hồng...

Khuyến khích và cử cán bộ có trình độ, nghệ sĩ, diễn viên... xuất sắc đi đào tạo, học tập kinh nghiệm tại các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển; hình thành và phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia chất lượng cao.

Hà Nội cũng sẽ rà soát, bố trí quỹ đất tại đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, du lịch, Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP tầm quốc gia, Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật quốc gia, Tổ hợp thể thao đẳng cấp quốc tế...;

Ưu tiên quy hoạch quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời ra khỏi khu vực nội đô lịch sử để xây dựng các công trình công cộng phục vụ tái thiết đô thị, phát triển bền vững…

N.Y

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ha-noi-se-xay-dung-mot-so-cong-trinh-van-hoa-mang-co-tam-co-khu-vuc-va-the-gioi-i664103/