Hà Nội sẽ thu hồi biển nhận diện các cửa hàng bán trái cây không đạt yêu cầu

Đề án 'Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội' đã cấp biển nhận diện cho 806 cửa hàng và mang lại hiệu quả tích cực.

Phát biểu tại Hội nghị Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây và phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất phân phối tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chiều 28/10, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, bước đầu Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội” được triển khai tại 30 quận, huyện, thị và đã cấp biển nhận diện cho 806 cửa hàng đã đem lại hiệu quả tích cực.

Để đem lại hiệu quả lâu dài, các quận cần tiếp tục triển khai, rà soát, mở rộng các cửa hàng. Riêng đối với các cửa hàng không đáp ứng được yêu cầu sẽ thu hồi biển nhận diện.
Bà Hoàng Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, sau 2 năm triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội” đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

809/809 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, biển nhận diện; 95% cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng, có trang thiết bị vận chuyển; 80% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc…

UBND các quận đã xây dựng được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Đáng chú ý, sở đã xây dựng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây, cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 460 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.500 mã sản phẩm; đồng thời, tổ chức các hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại các kênh phân phối của Hà Nội để quảng bá trái cây, nông sản các địa phương và hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào kênh phân phối Hà Nội…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh giám sát chất lượng, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn sản phẩm trái cây không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường; trong đó, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 290 vụ, xử lý 159 vụ, phạt hành chính trên 236,7 triệu đồng.
Tại hội nghị các đại biểu cũng cho rằng, việc triển khai đề án tại các huyện, thị làm khó hơn các quận; do đó việc triển khai cần được đi từ các thị trấn, thị tứ rồi mới vào các chợ dân sinh.

Hiện nay, toàn thành phố có 1872 cửa hàng với 26 quận, huyện, thị có thể triển khai đề án và có 4 địa phương chưa báo cáo.
Các đại biểu đề nghị tập trung để 15/11 hoàn thành việc rà soát. Xem các cửa hàng đã đạt tiêu chí gì, tiêu chí gì chưa đạt để hỗ trợ.

Người dân cần mua sắm thiết bị để đảm bảo quản lý trái cây theo tiêu chuẩn. quản lý thị trường cần tăng cường quản lý nguồn gốc, xuất xứ. các sản phẩm nào đã có truy xuất nguồn gốc thì phải dán.

Đối với các mặt hàng chưa có truy xuất thì phải mở sổ, ghi rõ mua ngày nào, của ai, ở đâu để minh bạch nguồn gốc, chất lượng trái cây.
Đối với rác thải nhựa, cần giảm thiểu tại chợ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, thành phố Hà Nội đang rất quyết liệt triển khai. Hiện còn 30 siêu thị (17%) ở các siêu thị nhỏ còn lại các siêu thị lớn đã đạt chỉ tiêu 100% về rác thải nhựa.

Đối với các chợ phải đạt được 50% trong năm 2020, đến nay đã cơ bản đạt được, nhiều mô hình được triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên cần cố gắng hơn nữa bởi việc giảm thiểu rác thải nhựa ở chợ rất khó khăn do nhận thức của bà con tiểu thương còn hạn chế.
Đối với việc phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trên địa bàn thành phố năm 2020, đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng, các doanh nghiệp thống nhất tuân thủ quy định pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường, ủng hộ chủ trương giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon trong sản xuất và phân phối.
Một số doanh nghiệp đã tích cực triển khai giảm thiểu nilon khó phân hủy thay thế bằng 100% túi tự hủy sinh học như: Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (quản lý hệ thống siêu thị Vinmart), Công ty TNHH MM Mega Market (hệ thống siêu thị MM Mega Market), Công ty cổ phần Vincom Retail (hệ thống trung tâm thương mại Vincom)..../.

Nam Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-se-thu-hoi-bien-nhan-dien-cac-cua-hang-ban-trai-cay-khong-dat-yeu-cau/176113.html