Hà Nội sau 10 năm mở rộng: Nội đô ngày càng quá tải?

Sáng 2/5, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến hoàn thành báo cáo tổng kết 10 năm về việc hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính. Bên cạnh những việc đạt được, các đại biểu cũng nêu ra nhiều vấn đề bất cập chưa được giải quyết do quá trình đô thị hóa.

Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi sau 10 năm sáp nhập Hà Tây về Hà Nội - Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Báo cáo nêu rõ, Nghị quyết được thực hiện trong bối cảnh diện tích TP Hà Nội tăng gấp 3,63 lần, dân số gấp 1,87 lần so với trước đây. Ngoài ra, sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, dân số nông thôn lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và còn thiếu. Hơn nữa, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ với số lượng nhiều (nhất là lãnh đạo cấp sở, ngành), chất lượng chưa đồng đều, trụ sở làm việc phân tán.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ khi hợp nhất đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội tăng 2,3 lần (từ 1.697 USD lên 3.910 USD). Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển…

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế cũng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn hạn chế. Phát triển văn hóa – xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cảm thấy 10 năm sau khi sáp nhập diện mạo Thủ đô có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Theo ông Phát, việc thành phố được điều chỉnh quy hoạch và phát triển đô thị về phía Đông và Tây đã làm giảm áp lực cho khu vực nội đô.

Nhiều ý kiến cho rằng sau 10 năm sáp nhập, Hà Nội đã hình thành nhiều khu đô thị nhưng chưa có khu đô thị nào đồng bộ, đủ thu hút dân cư - Ảnh: Hà Thanh

Ông Cao Đức Phát cũng cho rằng, thành phố cần phải thẳng thắn nhìn rõ những tồn tại chưa thực hiện được khi thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính. Ông Phát nhận thấy thành phố chưa hình thành những khu vực kinh tế điển hình, đặc biệt những khu đô thị vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số trong nội thành cũng chưa thực hiện được. “Tôi cảm nhận, chúng ta còn tập trung các hoạt động kinh tế nhiều vào trong nội đô. Điều đó thể hiện qua việc giao thông quá tải dẫn đến tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường còn tồn tại trong nội thành”, ông Cao Đức Phát nói.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhớ lại thời điểm cách đây 10 năm khi Quộc hội phát phiếu thăm dò ý kiến về Nghị quyết 15 với nhiều băn khoăn chưa được giải đáp. Vì vậy, ông Hùng và nhiều đại biểu điền vào nội dung chưa tán thành việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Tuy nhiên, sau nhiều buổi thảo luận, ông Hùng đã nhận thức rõ hơn vấn đề. Sau đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết với tỷ lệ trên 92% đại biểu tán thành.

“Qua 10 năm mở rộng địa giới hành chính, với những gì thành phố đạt được như hiện nay, tôi chắc chắn rằng các đại biểu tán thành Nghị quyết 15 như tôi sẽ rất hài lòng với quyết định của bản thân”, ông Đỗ Mạnh Hùng cho hay.

Còn ông Tô Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, với địa giới hành chính của Hà Nội trước khi sáp nhập, nhiều lúc thấy bí bách vì không đủ không gian để phát triển. Còn với không gian mở rộng, thành phố có nhiều điều kiện phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước.

Những tồn tại của Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính cũng được ông Tuấn thẳng thắn chỉ rõ, trong đó có việc hình thành nhiều khu đô thị nhưng chưa có khu đô thị nào đồng bộ, đủ thu hút dân cư, góp phần giải tỏa, gánh đỡ cho nội đô. Ngoài ra, theo ông Tuấn, một trong những vấn đề chưa được khắc phục đó là việc đầu tư còn phân tán cho nhiều dự án.

Nhớ lại thời còn làm Bí thư huyện Hoài Đức hơn 10 năm trước, ông Khuất Văn Thành hiện Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trước đây nhiều khu vực trong huyện này các tuyến đường rất xấu. “Có những xã tôi phải đi 2 tiếng mới đến nơi. Tuy nhiên, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế phát triển mạnh, giao thông nông thôn giờ đã khác hẳn”, ông Thành đánh giá.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, chiều nay lãnh đạo TP sẽ họp để tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu bổ sung vào báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 15.

Hà Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/ha-noi-sau-10-nam-mo-rong-noi-do-ngay-cang-qua-tai-1268322.tpo