Hà Nội: Rà soát công tác phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương

Chiều ngày 29/7, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện trên địa bàn TP. Hà Nội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Ông Lê Nguyên- Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính- Sở Công Thương Hà Nội– cho hay: chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành bán buôn, bán lẻ 6 tháng đầu năm tăng 7,19%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào mức tăng 3,39% của GRDP. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 1.407,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn 6 tháng đạt 269,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý II/2020 đạt 3.604 triệu USD, tăng 14,4% so với quý I/2020 và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 6.753 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Trong những tháng đầu năm, do tác động của dịch Covid-19, hầu hết các thị trường xuẩt khẩu lớn kim ngạch xuất khẩu đều giảm: Thị trường Hoa Kỳ giảm 6,7%; Trung Quốc giảm 20,8%; Nhật Bản giảm 4,4%...

Toàn cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến

Toàn cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến, các vấn đề quản lý chợ, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, hay an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm (ATTP) được các quận, huyện trao đổi và đưa ra ý kiến. Đại diện UBND quận Long Biên cho hay, hiện quận đang xây dựng hệ thống quản lý chợ 2021-2025, trong đó tiêu chí ATTP đang được tập trung xây dựng và báo cáo Sở trong thời gian tới.,.

Trong khi đó, mô hình trung tâm thương mại Thượng Đình được đánh giá là không hiệu quả, ông Võ Đăng Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân- cho biết: quận đã có 2 văn bản kiến nghị Sở Công Thương trình UBND TP.Hà Nội dừng thực hiện mô hình trung tâm thương mại Thượng Đình, giao cho quận thu hồi quyết định đấu thầu, từ đó, quận mới có thể triển khai, sắp xếp, cải tạo chợ Thượng Đình theo mô hình chợ truyền thống.

Một vấn đề không mới nhưng được các quận, huyện đưa ra đó là vẫn còn nhiều chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn, công tác phòng cháy chữa cháy, ATTP gặp nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa nguồn vốn trong đầu tư, xây dựng các chợ cũng không dễ dàng. Ngoài ra, các vấn đề phát triển kinh tế xã hội, thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp cũng được các quận, huyện trao đổi tại Hội nghị trực tuyến.

Cùng với các ý kiến được chia sẻ trực tiếp tại Hội nghị giao ban trực tuyến, 65 kiến nghị của 30 quận, huyện, thị xã về quản lý thương mại, công nghiệp, quản lý chợ, phát triển cụm công nghiệp, công tác bình ổn giá, liên kết vùng… cũng đã được gửi về Sở Công Thương.

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – đánh giá: 6 tháng đầu năm 2020, về cơ bản các quận huyện đều tăng trưởng kinh tế khá, tuy nhiên, vẫn có những địa phương tăng trưởng thấp hoặc tăng trưởng âm làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của Thành phố. Do đó, mục tiêu đặt lên ngành Công Thương về tăng trưởng kinh tế đạt các chỉ tiêu công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu năm 2020 đã đề ra là hết sức nặng nề.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp của các quận, huyện đôi lúc còn chưa đạt yêu cầu, một số nội dung Sở triển khai xuống các địa phương triển khai chậm, chất lượng báo cáo chưa đạt, phải đôn đốc nhiều lần như: Công tác đầu tư chợ, giải quyết các tồn tại về chợ sau kiểm tra năm 2019, công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm. Hiện còn tồn tại 59 chợ cóc cần phải giải tỏa trong thời gian tới.

Công tác quản lý nhà nước đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện còn hạn chế do một số phòng kinh tế của các địa phương chưa nắm chắc được số lượng các loại hình kinh doanh. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc giới thiệu các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại của Thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của địa phương, hỗ trợ công tác marketing giới thiệu sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì…. dẫn đến một số sản phẩm địa phương khó tiêu thụ, sức cạnh tranh kém với các tỉnh lân cận và trong vùng. Một số quận, huyện chưa thực sự quan tâm các chỉ tiêu phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp, xuất nhập khẩu.

6 tháng cuối năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ theo kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt của các chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố đến năm 2020. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thủ đô năm 2020. Tổ chức đưa hàng bình ổn về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổ chức các Chương trình kích cầu nội địa, tăng trưởng kinh tế. “Hà Nội sẽ triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2020. Tổ chức đưa hàng bình ổn về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Rà soát phương án, không để bị động trong công tác phòng chống dịch Covid-19”, bà Lan nói.

Sở Công Thương cũng đề nghị các quận, huyện, rà soát các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng đầu năm và có giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt các chỉ tiêu công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu năm 2020 đã đề ra; tổ chức kiểm tra, giải tỏa triệt để các chợ cóc, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn quản lý; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có tập trung phát kêu gọi đầu tư thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp còn lại theo Quy hoạch nhằm chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp sau khi nền kinh tế phục hồi. “Các quận, huyện có mức tăng trưởng kinh tế âm cần có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu đề ra, nhằm đóng góp vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của toàn thành phố”, bà Lan đề nghị.

Những vấn đề kiến nghị của các quận, huyện về chợ, đầu tư trung tâm thương mại, quản lý mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cụm công nghiệp… tại Hội nghị giao ban trực tuyến, Sở Công Thương sẽ giao các phòng chức năng của Sở trả lời cụ thể đề các quận, huyện có thể triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý ngành công thương.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-ra-soat-cong-tac-phoi-hop-quan-ly-nha-nuoc-trong-linh-vuc-cong-thuong-141216.html