Hà Nội: Rà soát, bố trí thêm hàng nghìn điểm dừng xe buýt

Hà Nội sẽ rà soát, bố trí các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển nhằm tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.

Một nhà chờ xe buýt trên tuyến phố nội đô Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Một nhà chờ xe buýt trên tuyến phố nội đô Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), ngoài việc hợp lý hóa luồng tuyến buýt, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu bổ sung hàng nghìn điểm dừng , phát triển thêm các điểm trung chuyển, tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng… nhằm bảo đảm năng lực tổ chức kết nối với đường sắt đô thị để thu hút người dân dùng vận tải công cộng.

Hiện trên địa bàn thành phố hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt (trong đó 361 điểm dừng xe buýt có nhà chờ), mật độ 1,1 điểm/km2, phục vụ cho hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt.

Trong khu vực nội thành, tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500m đạt khoảng 80%. Khu vực ngoại thành, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%.

Một báo cáo khảo sát hiện trường về thực trạng tiếp cận và kết nối xe buýt tại 6 bến xe và 6 điểm trung chuyển nội mạng và 331 điểm dừng đỗ xe buýt đối với 2.000 hành khách cho thấy, chỉ có 5,5% hành khách đánh giá hệ thống điểm dừng xe buýt hiện nay chưa hợp lý, trong đó chủ yếu do điểm dừng nằm xa các ngõ, nút giao.

Tuy nhiên, kết nối giữa điểm dừng xe buýt với nhà ga các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-ga Hà Nội (đang trong quá trình xây dựng) theo đánh giá chưa tốt, khoảng cách kết nối giữa nhà ga và điểm dừng xe buýt khá xa, không phù hợp với việc trung chuyển của hành khách.

Trong đó, tuyến Cát Linh-Hà Đông có 8/12 nhà ga điểm dừng xe buýt hiện tại cách từ 350-500m; tuyến Nhổn-ga Hà Nội có 9/12 nhà ga điểm dừng xe buýt hiện tại cách từ 350-500m.

Để thu hút người dân lựa chọn phương tiện vận tải công cộng, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, Trung tâm đang khẩn trương hoàn thiện Đề án rà soát, bố trí các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển nhằm tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác cũng như giữa các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Cụ thể, Trung tâm đề xuất trong giai đoạn tới, thành phố sẽ nghiên cứu bổ sung khoảng 2.500-2.700 điểm dừng xe buýt, bố trí lại các điểm dừng tiếp cận gần với các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới xe buýt để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m; cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị khoảng 300-600m; bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút).

Mặt khác, Trung tâm cũng đang nghiên cứu giải pháp bố trí các điểm dừng xe buýt gần các nút giao để giảm tối đa quãng đường đi bộ trung chuyển giữa các tuyến buýt; phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt, nâng tổng số điểm trung chuyển lên 21 điểm, phân bổ đều trên địa bàn thành phố; tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để hành khách có thể tiếp cận các khu vực nằm trong các phố, ngõ nhỏ…

“Theo tính toán, với đề xuất này sẽ có thêm khoảng 1,4 triệu người dân sẽ được tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ dưới 500m và nhiều người khác sẽ có thêm giải pháp kết nối với phương tiện công cộng bằng xe máy, xe đạp công cộng với xe buýt, đường sắt đô thị để giảm thời gian chuyến đi, tối ưu hóa chi phí, thời gian đi lại,” ông Phương cho hay./.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tính đến năm 2019, Hà Nội có 127 tuyến buýt; số lượng phương tiện đầu tư, đổi mới thay thế là 1.121 xe (tuổi đời bình quân phương tiện chỉ là 3,6 năm); phủ kín 100% tới 30 quận, huyện, thị xã (trong đó có 452/579 xã, phường đã tiếp cận được xe buýt, chiếm tỷ lệ 78,1%).

Về sản lượng khách, nếu như năm 2016 là 432 triệu khách thì đến năm 2019, con số này đã lên 482 triệu khách.

Trong khi đó, con số bình quân trợ giá buýt của thành phố giai đoạn 2015-2019 mỗi năm là 1.300 tỷ đồng. Từ những năm 2020 trở đi, mức trợ giá buýt dự kiến khoảng trung bình 2.000 tỷ đồng/năm và năm 2025 sẽ rơi khoảng 2.700 tỷ đồng.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ha-noi-ra-soat-bo-tri-them-hang-nghin-diem-dung-xe-buyt/661728.vnp