Hà Nội quyết liệt xử lý công trình vi phạm

Làm việc với Sở Xây dựng TP ngày 1/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ ra 'cái khó nhất trong công tác quản lý trật tự xây dựng là xử lý công trình vi phạm, nên cần có sự quyết liệt, tạo nếp tuân thủ pháp luật ngay từ đầu.

Cưỡng chế phá dỡ cổng chính công trình vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Phú Yên, xã Yên Bài (huyện Ba Vì, Hà Nội) tháng 7/2018. (Ảnh:TTXVN)

Chưa xử lý dứt điểm công trình vi phạm tồn đọng

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, năm 2018, công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, Sở đã hoàn thành bàn giao Đội thanh tra xây dựng về các quận, huyện, thị xã quản lý và công tác quản lý TTXD được tăng cường.

Vì vậy, tỷ lệ số công trình vi phạm về TTXD giảm mạnh theo từng năm. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cũng thừa nhận, vi phạm TTXD vẫn diễn biến phức tạp. Một số công trình vi phạm tồn đọng từ các năm trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Số công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao và vi phạm TTXD trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng còn phổ biến.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho rằng, vi phạm TTXD lớn ngoài các nguyên nhân như địa bàn rộng; đất chật, người đông ở khu vực nội thành; người dân cố tình vi phạm; việc kiểm soát chưa hiệu quả... còn có nguyên nhân không nhỏ do hệ thống pháp luật.

Ví dụ, theo ông Dũng, Nghị định 139/2017 đã giảm nhiều thẩm quyền của chủ tịch UBND xã, trong đó có việc không được phép cưỡng chế công trình. Hay quy định công trình vi phạm có thời gian 60 ngày để hoàn thiện thủ tục, giấy phép nhưng do không có lực lượng giám sát đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ công trình vẫn cố tình xây dù đã bị đình chỉ.

Đặc biệt, công tác phát hiện ở địa bàn còn rất yếu, để vi phạm lớn mới xử lý, khiến việc xử lý rất khó mà huyện Sóc Sơn là một ví dụ. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra rằng đất nông nghiệp, đất rừng không phải là đất cấm xây dựng trong Luật Xây dựng nên khi xảy ra vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Từ thực tế này, ông Dũng đề nghị TP kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phân định rõ chức năng của từng lực lượng trong việc quản lý xây dựng trên đất nông nghiệp và đất rừng để dễ làm, cùng với đó cần bổ sung thêm đất nông nghiệp, lâm nghiệp vào các loại đất cấm xây dựng.

Chung băn khoăn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Trần Việt Trung nhận định, tồn đọng trong xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp có nguyên nhân từ pháp luật. “Vi phạm rõ ràng phải xử lý nhưng lại không có chế tài.

Chưa kể đến xây nhà ở nông thôn lại có quy định miễn phép nên có sự đan xen giữa miễn phép và cấp phép. Điều này liên quan đến việc còn hơn 5% công trình vi phạm xây dựng chưa xử lý được”, ông Trung nêu quan điểm và cho rằng nên đưa về địa phương quản lý sẽ giám sát được địa bàn chặt chẽ hơn.

Xử lý TTXD phải quyết liệt

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo, công tác xử lý TTXD phải quyết liệt, không được chủ quan vì chủ công trình nào cũng muốn lấn ra, đua ra ngoài phạm vi được cấp phép. “Nếu chúng ta lờ đi thì họ đua ra nhiều, còn bị nhắc thì họ đua ra ít”, ông Hải nói. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cái khó nhất trong công tác quản lý TTXD là xử lý công trình vi phạm vì ngay cả khi đã xử lý cán bộ buông lỏng quản lý hay xử phạt hành chính rồi nhưng chủ công trình vẫn tiếp tục vi phạm.

“Như ở Sóc Sơn, huyện xử lý cả cán bộ, xử lý cả hành chính xong, công trình vẫn còn nguyên”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói và yêu cầu các cấp của TP cần phải rà soát các công trình vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Nếu chúng ta không làm quyết liệt, không tạo ra được cái nếp tuân thủ pháp luật ngay từ đầu thì cứ xử lý hết năm này qua năm khác cũng không bao giờ hết”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Bí thư Hà Nội cũng lưu ý vấn đề quản lý chung cư. Theo ông Hoàng Trung Hải, xu thế ở nhà chung cư là tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Dự báo, đến năm 2030, TP có khoảng 2,4-2,5 triệu dân sống ở chung cư trên tổng số 10 triệu dân, là con số không nhỏ.

Do vậy, Sở Xây dựng TP cần đề xuất được cơ chế quản lý chung cư phù hợp, chặt chẽ hơn nữa, không để xảy ra tình trạng các chủ đầu tư đẩy TP vào thế đã rồi và đương đầu với người dân khi chưa đủ điều kiện cho phép về vận hành, phòng cháy, chữa cháy vẫn cho người dân vào ở như vừa qua.

“Công tác quản lý phải chặt chẽ, không thì chúng ta phải chạy theo chủ đầu tư suốt”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh và bày tỏ đồng tình với việc vừa rồi Sở Xây dựng ra quyết định cưỡng chế với các chủ đầu tư cố tình vi phạm.

Trong năm, các đội quản lý TTXD đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra toàn bộ 16.885 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 891 trường hợp. UBND cấp xã, huyện đã xử lý vi phạm 713 trường hợp và ban hành 1.086 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với số tiền 6,78 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở cũng đã tiếp tục đôn đốc các quận, huyện xử lý đối với 120 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn đọng cũ, kiên quyết không để xây dựng nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” trên các ô đất này.

Về công tác quản lý nhà chung cư, từ tháng 7/2018 đến nay, Sở đã kiểm tra 55/83 nhà chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 10 trường hợp, xử phạt hành chính 8 trường hợp.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ha-noi-quyet-liet-xu-ly-cong-trinh-vi-pham-d83180.html