Hà Nội quyết dẹp hẳn bếp than tổ ong để giảm ô nhiễm không khí

Cùng với nhiều giải pháp khác, Hà Nội cho biết sẽ xây dựng kế hoạch vận động đến ngày 31/12/2020 không còn hộ sử dụng than tổ ong để giảm nguồn gây ô nhiễm không khí.

Thông tin được Người phát ngôn, Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định chia sẻ với báo giới chiều 1/10/2019.

Theo ông Vũ Đăng Định, vừa qua Thành phố đã tổ chức họp với Sở Tài nguyên & Mội trường (TN&MT), theo số liệu quan trắc từ ngày 13/9, chất lượng không khí kém, chủ yếu ô nhiễm bụi mịn, ảnh hưởng sức khỏe con người về hô hấp đặc biệt đối với trẻ em, người già.

Ông Vũ Đăng Định đưa ra 12 yếu tố dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường hiện tại của Hà Nội. Cụ thể là do khí thải xe máy, đun bếp than tổ ong/bếp củi vẫn tiếp diễn; vật liệu và quản lý phá dỡ công trình xây dựng vận chuyển phá dỡ chưa kiểm soát được bụi; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ trại chăn nuôi gia súc gia cầm; đốt rơm rạ; thu gom rác thải ô nhiễm ao hồ lâu năm, bùn thải; khói bụi từ các vùng lân cận; tác động của thời tiết chuyển mùa.

Về giải pháp, người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội liệt kê 12 nguyên nhân khác nhau dẫn đến ô nhiễm trên địa bàn như: khí thải phương tiện giao thông, người dân đốt than tổ ong, bếp củi, vật liệu phá dỡ công trình, tình trạng đốt rơm rạ, ô nhiễm sông hồ, trại chăn nuôi, tác động do khí hậu chuyển mùa…

 Ô nhiễm không khí ở Hà Nội có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng than tổ ong

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng than tổ ong

Để cải thiện môi trường không khí, theo ông Định, thành phố đã đưa ra 19 giải pháp, trong đó, có tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải ô nhiễm môi trường; Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang hoàn toàn bằng xe quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao hồ ngoại; xây dựng kế hoạch vận đọng đến 31/12/2020 không còn hộ xử dụng bếp than tổ ong; triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, xử lý xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình; triển khai "cánh đồng không đốt rơm rạ"; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân... Ông Vũ Đăng Định khuyến cáo người dân đi ra đường nên "đeo khẩu trang bảo vệ sức khỏe".

Ông Vũ Đăng Định - Người phát ngôn của UBND TP Hà Nội

Thông tin thêm về vấn đề này, tại buổi họp báo, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, Hà Nội hiện có 10 trạm quan trắc không khí, sử dụng từ năm 2017 chất lượng châu Âu, trong đó có 3 trạm quan trắc đặt cố định. Hiện đang triển khai dự án đến 2020 lắp 20 trạm quan trắc cố định và 1 trạm cảm quan trắc lưu động. Ngoài ra, 12 trạm cảm biến và đến 2020 sẽ có 32 trạm quan trắc không khí.

Nói về sự khác biệt giữa các chỉ số quan trắc của Hà Nội và một số đơn vị như Air visual, Pam air, ông Thái cho biết, do trạm của Hà Nội đặt cố định, còn của các đơn vị khác là đo cảm biến, đánh giá nhanh.

Thông tin thêm về dự báo thời gian kéo dài đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng này, ông Thái cho biết, dự kiến, đến ngày 3/10, thời tiết có mưa dông sẽ cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Tại cuộc họp báo nhiều câu hỏi liên quan đến nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đã được báo chí đặt ra.

Theo đó, có ý kiến không đồng tình với việc cho rằng đốt rơm rạ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, có ý kiến lại cho rằng, thời gian đây, Hà Nội gần như không thực hiện việc phun nước rửa đường, trong khi đó, việc dùng các xe cơ giới quét rác làm đường phố không thật sạch mà lại gây ra bụi nhiều hơn trong quá trình hoạt động…

Một câu hỏi cũng được phóng viên VnMedia đặt ra, đó là thời gian qua, nếu như Hà Nội đã dùng khá nhiều giải pháp (tất nhiên là kèm theo kinh phí), thì tại sao Hà Nội lại vẫn ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn? Hà Nội có nghiên cứu kỹ về nguyên nhân, nguồn gây ô nhiễm dẫn đến tình trạng suy giảm mạnh chất lượng không khí đợt này hay vẫn chỉ nêu ra các nguyên nhân "truyền thống"? Tuy nhiên các câu hỏi này đều đã chưa được giải đáp đầy đủ.

Liên quan đến vấn đề này, cùng ngày 1/10, Tổng cục Môi trường cho biết, nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng của năm 2019 đều có xu hướng giảm qua các năm, nhưng riêng tháng 9, nồng độ bụi lại tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cả so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/ha-noi-quyet-dep-han-bep-than-to-ong-de-giam-o-nhiem-khong-khi-641179/