Hà Nội: Quả bóng trách nhiệm phá rừng Sóc Sơn được đùn đẩy thế nào?

Việc phá rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn đã rõ, nhưng khi hỏi chính quyền xã lại đẩy hướng xử lý cho huyện, huyện đẩy cho Sở TNMT, Sở NNPTNT, rồi Sở lại xin tiếp lên cấp trên, cấp nào mới xử lý được?

Xã “đả” huyện
Gần đây, sau loạt thông tin “nóng” được tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh về việc hơn 600 ha khu rừng phòng hộ thuộc hai xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) bỗng dưng được các “đại gia giấu mặt” “xâu xé” mua đất “bất hợp pháp” bằng các hợp đồng trao tay, chuyển nhượng phân lô, bán nền trái luật…

Đặc biệt, có dấu hiệu của sự “móc nối” giúp đỡ giữa lãnh đạo các xã nhằm “hô biến” đất rừng phòng hộ thành đất ở, xây biệt thự, lâu đài, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch… kinh doanh trái phép, thu lợi bất chính suốt nhiều năm qua.

Ông Đỗ Minh Tuấn – Phó chủ tịch huyện Sóc Sơn nói: “Chúng tôi cảm thấy xấu hổ với những tiêu chi đặt ra, khi huyện vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ".

Cũng bắt nguồn từ sự tắc trách này hàng trăm công trình to nhỏ, như khu biệt thự nghỉ dưỡng có quy mô hoành tráng nổi bật nhất là khu biệt thự “khủng” rộng hàng 10.000 m2 của nữ ca sĩ Mỹ Linh, The Moonlight, Homestay Hidden Villa, The Choai Villa… cùng với đó là biệt phủ hoa lệ đã và đang được hoàn thiện.

Đặc biệt, sự xuất hiện của khu du lịch Thiên Phú Lâm (thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) với các công trình đồ sộ có kiến trúc độc đáo phục vụ du khách tới tham quan như khu tháp Eiffel, khu Kim Tự Tháp Ai Cập, hệ thống cối xay gió, khu vui chơi, khu công viên nước...

Liều lĩnh hơn, các công trình này còn dựng tường rào sắt bằng lưới B40 để bắt buộc những ai muốn vào tham quan phải mua vé đi từ cổng chính là 60.000 đ/lượt. Chưa kể đến tại đây có hàng loạt dịch vụ ăn chơi, nghỉ dưỡng, hát hò được niêm yết với mức giá cao.

Đến nay, dư luận đang rất quan tâm về hướng xử lý triệt để “đại án” lấn rừng phòng hộ nêu trên. Đồng thời, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tập thể có dấu hiệu buông lỏng quản lý, cố tình “ỉm” thông tin sai phạm để trốn tránh “phủi bay” trách nhiệm quản lý tại địa phương ra sao.

Để hiểu sâu hơn về quan điểm, hướng xử lý của từng địa phương về các sai phạm trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo chính quyền hai xã Minh Trí, Minh Phú, nhằm xem xét quá trình thực hiện chỉ đạo của Thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ…Yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc “chiếm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn”.

Bảng giá dịch vụ tại khu du lịch Thiên Phú Lâm (thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn).

Trong cuộc trao đổi cùng ông Nhuận, Chủ tịch xã Minh Trí, chúng tôi nhận được hàng “tá” lời giải thích, phân trần đúng sai trước cơ quan ngôn luận.

Ông Nhuận khẳng định: “Chúng tôi đã thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Người dân xây dựng trên đất hiện giờ là đúng, tuy rằng chúng tôi vẫn chưa xác định được nguồn gốc cụ thể, nếu sai phạm tôi sẽ chịu trách nhiệm. Nếu sai chúng tôi sẽ chờ sự chỉ đạo của cấp trên, các anh muốn rõ lên trao đổi cùng huyện”.

Sự “lũng đoạn” đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn đã có kết luận đúng sai của các cấp có thẩm quyền cao nhất, sao lãnh đạo xã Minh Trí lại thẳng thừng bác bỏ?

Đến nay đã có hàng trăm văn bản kết luận của TP. Hà Nội, Sở TNMT, Sở NN và PTNT, UBND huyện Sóc Sơn…về sai phạm của loạt “biệt phủ” xây dựng trái phép trong rừng phòng hộ và yêu cầu xử lý rõ ràng, tại sao xã Minh Trí vẫn chờ chỉ đạo?

Vậy chỉ đạo của cấp nào mới có sức nặng để lãnh đạo xã Minh Trí làm theo luật?

Cùng nội dung vụ việc chiếm đất rừng phòng hộ tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội), phóng viên tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Đức Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Minh Phú.

Ông Tâm nói: “Chúng tôi thừa nhận có một số công trình xây không đúng và lấn chiếm đất rừng. Đến nay, chúng tôi không nắm được có bao nhiêu công trình được xây dựng trái phép tại đây”.

Nhiều năm nay, lãnh đạo xã thường xuyên triển khai nắm bắt tình hình, cấm các hoạt động xây dựng, lạ lùng một nỗi là đến nay vẫn có loạt công trình của “người lạ” mọc lên mà xã Minh Phú không hề hay biết.

Cụ thể với những trường hợp vắng chủ, chủ không phải người địa phương, xã Minh Phú chọn cách “bó tay” không tiến hành cưỡng chế: “Chúng tôi không thể lập biên bản hay xử lý các công trình vi phạm khi vắng chủ. Các công trình xây dựng người ngoài địa phương chúng tôi cũng không nắm bắt được”, ông Nguyễn Đức Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Minh Phú nói.

Chi cục Quản lý đất đai “lảng tránh” không cung cấp thông tin
Vấn đề đặt ra là sự giám sát, quản lý tắc trách, thiếu quyết liệt của UBND huyện Sóc Sơn. Dù nói rằng thường xuyên phát hiện, kiểm tra, xử lý các sai phạm xâm lấn đến rừng phòng hộ nhưng thực tế chỉ khi báo chí vào cuộc huyện mới “rục rịch” tiến hành rà soát, kiểm tra và lập báo cáo xử lý.

Hổ thẹn trước trước cuộc giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Đỗ Minh Tuấn – Phó chủ tịch huyện Sóc Sơn nói: “Chúng tôi cảm thấy thật đáng xấu hổ với những tiêu chi đặt ra, khi huyện vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ.

Chúng tôi cũng phát hiện thêm việc Chủ tịch UBND xã Minh Phú không thực hiện và thực thi chỉ đạo của huyện. Ngoài ra chúng tôi còn gia hạn thời gian cho Chủ tịch UBND xã Minh Phú chuẩn bị. Huyện sẽ kiên quyết tiến hành rà soát, xử lý nghiêm nếu ông Nguyễn Văn Hân -Chủ tịch xã UBND xã Minh Phú không thực hiện đúng chúng tôi sẽ đình chỉ công tác điều hành của ông này”.

Công trình của Hoàng Lê Gia Garden được xây dưng sát mép hồ Đồng Đò.

Liên quan tới việc xử lý cán bộ chậm thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn xung quanh các vi phạm đất rừng, ông Tuấn cho biết thêm, trong năm 2017, địa phương đã tiến hành kỷ luật 6 cán bộ.

Trao đổi cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Tân Cương – Phó chi cục Quản lý đất đai cho biết: “Hiện nay chưa có văn bản nào điều chỉnh thì chúng ta vẫn phải theo bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008. Kể cả những hộ dân gốc đi xây dựng kinh tế mới, bây giờ nhất quán cứ nằm trong quy hoạch là không được cấp sổ đỏ”.

Đề cập tới hướng xử lý đối với những trường hợp chuyển nhượng trái pháp luật, ông Nguyễn Tân Cương – Phó chi cục Quản lý đất đai nói thêm: “Hành vi xây dựng mua bán trên đất rừng của xã Minh Trí, Minh Phú đều sai. Chúng tôi yêu cầu huyện, xã xác minh rõ các trường hợp mua bán chuyển nhượng trái phép sẽ bị truy tố. Đối với những trường hợp xây dựng sai pháp luật đề nghị huyện xử lý bằng hình thức cưỡng chế, tháo dỡ”.

Qua buổi trao đổi trực tiếp ông Cương hứa sẽ cung cấp biên bản, báo cáo và kết quả thanh kiểm tra cho phóng viên. Tuy nhiên, sau nhiều tuần liên hệ, ông Cương lại nói rằng: “Anh không có trách nhiệm và nghĩa vụ là phải chuyển hồ sơ, tài liệu này cho bên báo em. Hiện nay anh đang làm dự thảo báo cáo UBND thành phố, thế thôi!”

Lý do gì sau chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường phân công cho Chi cục quản lý Đất đai trả lời báo chí, ông Nguyễn Tân Cương lại có thể “hồn nhiên” cãi lệnh cấp trên? Thậm chí tỏ rõ thái độ bất hợp tác không cung cấp thông tin tới cơ quan ngôn luận? Hay còn uẩn khúc nào khác?

Dù UBND Thành phố mạnh tay vào cuộc thanh tra toàn diện, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đứng trước Thành ủy hứa sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho hành vi xâm lấn, xây dựng và chuyển nhượng trái phép nhưng thời gian báo cáo cụ thể ra sao, hướng xử lý dứt điểm như thế nào, liên đới trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trực tiếp là lãnh đạo UBND xã Minh Trí, Minh Phú ở đây là gì? Quả bóng trách nhiệm phá rừng Sóc Sơn được đùn đẩy thế nào vẫn là điều bỏ ngỏ?

Theo Công văn số 4893/UBND-ĐT ngày 10/10/2018, UBND TP. Hà Nội đã xem xét báo cáo, kiến nghị của Sở Xây dựng thành phố kiểm tra nội dung báo chí phản ánh về vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực xã Minh Phú và xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.

Thành phố giao Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, tại xã Minh Trí và xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn và việc thực hiện các nội dung của kết luận Thanh tra chính phủ, Thanh tra Thành phố, chỉ đạo sau thanh của UBND thành phố để báo cáo UBND thành Phố...

Theo Môi trường và Đô thị Việt Nam

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ha-noi-qua-bong-trach-nhiem-pha-rung-soc-son-duoc-dun-day-the-nao-d150236.html