Hà Nội phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch

Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng thời gian qua đã được TP Hà Nội quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tốt. Đây là một trong những hướng đi mới của nông nghiệp thành phố nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn.

Làng nghề Bát Tràng luôn thu hút đông khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.

Làng nghề Bát Tràng luôn thu hút đông khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.

Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng thời gian qua đã được TP Hà Nội quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tốt. Đây là một trong những hướng đi mới của nông nghiệp thành phố nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, việc phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch nhằm phục vụ nhu cầu khám phá của du khách và hứa hẹn giúp nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố. Hiện nay, sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề ở Hà Nội chủ yếu khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ du lịch học đường, du lịch cuối tuần. Điển hình như tua tham quan mùa lúa chín tại Đường Lâm; du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan làng cổ Đường Lâm; du lịch nông trại; du lịch trải nghiệm rau hữu cơ, làng chè, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học… Nhiều du khách mong muốn được tham quan trải nghiệm ở các khu trang trại, vườn trại, du lịch sinh thái... gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa của từng địa phương giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm đem lại thu ổn định cho người dân vùng nông thôn. Cùng với đó, tại Hà Nội hiện có hơn 10 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Mặt khác, TP Hà Nội đã công nhận khoảng 15 điểm, khu du lịch cấp thành phố, trong đó có điểm du lịch làng gốm Bát Tràng, làng sinh vật cảnh Hồng Vân, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ. Du khách đến với làng nghề sẽ được tham quan cảnh quan đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ; được trực tiếp làm thử một vài công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động...

Có thể nói, việc phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với du lịch đang lan tỏa ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn thành phố. Tại huyện Ba Vì có trang trại đồng quê Ba Vì đã thực hiện xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp. Trang trại đã liên kết các chủ trang trại và các làng nghề truyền thống của địa phương để tổ chức cho các du khách tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa đồng quê như: Cấy lúa, úp nơm, bắt cá; trồng và hái các loại rau rừng; xem cách làm mật ong; tự hái và sao chè khô; cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn... Hay nông trại Dê Trắng (huyện Ba Vì) với diện tích khoảng 12 ha dưới chân núi Ba Vì với không gian rộng, vật nuôi đa dạng đã phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm nông trại. Năm 2019, nông trại thu hút được hàng nghìn lượt học sinh, khách du lịch đến với doanh thu hàng tỷ đồng. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Ba Trại nằm trong vựa chè lớn nhất của huyện Ba Vì. Phát huy thế mạnh này, HTX đã triển khai phát triển du lịch cộng đồng, tổ chức đưa đoàn vào tham quan, trải nghiệm các công đoạn từ trồng, chăm bón, thu hái, chế biến đến pha trà. Những hoạt động này giúp du khách gần gũi với thiên nhiên, có thêm kỹ năng sống và kiến thức về sản xuất nông nghiệp. Đồng thời thông qua các hoạt động du lịch cũng là dịp để quảng bá thương hiệu chè Ba Trại đến người tiêu dùng theo hướng trực tiếp và gần gũi.

Huyện Thường Tín cũng đang tập trung phát triển các trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan, trải nghiệm, như: Nông trại giáo dục với diện tích 2 ha xây dựng mô hình tham quan du lịch sinh thái thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan năm 2019; HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân với diện tích 35,6 ha tổ chức kết hợp sản xuất hoa, cây cảnh, rau củ quả, chăn nuôi và tham quan quy trình sản xuất trà chùm ngây. Trên địa bàn huyện Phúc Thọ, hiện nay các chủ trang trại trồng bưởi, chuối và sản xuất rau sạch đã liên kết, mở cửa cho các tua du lịch nông nghiệp sinh thái tham quan vườn hoa, quả hay trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tham gia làm vườn, cấy lúa, hái rau… Tham gia liên kết, các chủ trang trại quảng bá được thương hiệu, bán sản phẩm nông nghiệp được nhiều hơn, góp phần tăng thu nhập.

Có thể thấy, phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch tại Hà Nội đã và đang phát huy được hiệu quả trong việc tăng thu nhập cho người dân, duy trì sản vật địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch nông nghiệp, làng nghề còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa chú trọng về thương hiệu và chưa thật sự hấp dẫn du khách. Một số địa phương có tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng, sản phẩm nông nghiệp giống nhau cho nên không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu. Hơn nữa, phần lớn bà con nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có kỹ năng để phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách... Để phát huy hiệu quả phát triển nông nghiệp, làng nghề kết hợp du lịch, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để khách tới tham quan, trải nghiệm; điều tra, khảo sát hoạt động phát triển nông nghiệp, làng nghề kết hợp du lịch tại các xã, thị trấn để đánh giá về thực trạng cũng như xây dựng các mô hình phát triển; có chính sách hỗ trợ tương xứng đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao. Đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyên môn về phát triển nông nghiệp, làng nghề kết hợp du lịch để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển hơn nữa.

NGUYÊN PHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43604602-ha-noi-phat-trien-nong-nghiep-lang-nghe-gan-voi-du-lich.html