Hà Nội: Phát triển mạng lưới chợ hiện đại, văn minh

UBND TP. Hà Nội mới ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho các ý tưởng phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn trong thời gian tới theo hướng hiện đại, văn minh hơn.

Theo số liệu của Sở Công Thương TP. Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng trên 450 chợ đang hoạt động, với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm khoảng 60% lưu lượng hàng hóa trên địa bàn, góp phần tích cực phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, hệ thống chợ của Hà Nội do nhiều yếu tố tác động, dẫn đến xuống cấp, thậm chí nhiều chợ lụp xụp, cảnh quan nhếch nhác, quá tải, rất khó đảm bảo được các yêu cầu về an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ...

Chợ Long Biên công súat hoạt động quá tải so với tiêu chuẩn chợ loại 2

Vụ cháy chợ Thịnh Liệt ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, hồi quý II/2018 cho thấy một phần bất cập về an toàn cháy nổ tại các chợ trên địa bàn; hay tình trạng quá tải, mất ổn định tại chợ Long Biên báo chí phản ánh có cả dấu hiệu bảo kê, khiến cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội mới đây đã phải khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản để điều tra làm rõ… Một số chợ khác cũng xuống cấp, bất cập… như chợ Minh Khai (Từ Liêm), chợ Ngã Tư Sở, chợ Nghĩa Đô, chợ Chẹ (Ba Vì)... Thực trạng này đã tác động rất tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, mua bán của tiểu thương cũng như người tiêu dùng tại các chợ. Thậm chí, một số chợ do quá tải, xuống cấp được TP. Hà Nội cho phép cải tạo, nâng cấp, sửa chữa như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Trung Hòa… nhưng khi nâng cấp, cải tạo xong và đi vào hoạt động trở lại có chợ cảnh mua bán rất thưa vắng.

Từ những bất cập nêu trên, mới đây liên danh gồm Tập đoàn Amaccao, Công ty Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành đã đưa ra đề xuất đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn Hà Nội theo hướng “xanh, sạch, văn minh, công nghệ cao, tích hợp kinh doanh của tiểu thương và trực tuyến, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ…”. Đây là một là một đề xuất được cho là phù hợp với chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xã hội hóa thu hút đầu tư, quản lý, phát triển chợ theo quy hoạch.

Theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, ngày 16/11/2018 của UBND TP. Hà Nội, các chợ đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp… đều phải đúng các quy hoạch, kế hoạch, tuân thủ các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và các qui định của pháp luật có liên quan; tuân thủ trình tự, thủ tục đầu tư dự án, điều chỉnh dự án theo quy định về đầu tư và xây dựng trên địa bàn.

Việc UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn, sẽ có hiệu lực từ ngày 26/11/2018, là nhằm cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã ban hành. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các ý tưởng đầu tư chợ có thể được hiện thực hóa. Đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý trực thuộc TP. Hà Nội lập các kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, kêu gọi đầu tư mới về phát triển chợ, giải tỏa các chợ không phù hợp với quy hoạch… phát triển hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại hơn.

Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã… sẽ lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm đối với tất cả các hạng chợ để trình cấp có thẩm quyền TP. Hà Nội quyết định hoặc quyết định theo chức năng, thẩm quyền được phân cấp. Các dự án đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp chợ phải có ý kiến của các cơ quan chuyên môn theo phân cấp quản lý về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

Đối với các chợ đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lớn có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương nhân đang kinh doanh tại chợ, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm và sắp xếp cho thương nhân kinh doanh tại chợ tạm trong thời gian đầu tư xây dựng, cải tạo chợ; phương án sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo lại phải trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi tiến hành cải tạo, nâng cấp chợ, chủ đầu tư phải công bố công khai cho thương nhân đang kinh doanh tại chợ biết để đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện các phương án. UBND TP sẽ duyệt phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm khi đầu tư xây dựng lại, cải tạo chợ hạng 1 trên cơ sở ý kiến thẩm định do Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan. UBND cấp huyện duyệt phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm khi đầu tư xây dựng lại, cải tạo các chợ hạng 2, hạng 3 trên cơ sở ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn về tài chính, kinh tế trực thuộc.

Sở Công Thương Hà Nội được thành phố giao chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã... tổng hợp danh mục các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn hàng năm để báo cáo UBND Thành phố.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-phat-trien-mang-luoi-cho-hien-dai-van-minh-112100.html