Hà Nội: Phát triển kinh tế hợp tác cả về chất và lượng

Qua 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012, được sự quan tâm của Thành phố, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Song, hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác vẫn còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới để phát triển cả về chất và lượng.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự án Luật HTX (sửa đổi), nhằm loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX.

Đa dạng hóa ngành nghề HTX

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, qua 10 năm thi hành Luật HTX 2012, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng HTX, liên hiệp HTX tiếp tục tăng lên, các HTX, tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động đa dạng.

Không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà hiệu quả hoạt động của HTX cũng ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh của HTX đa dạng hơn.

Số lượng các HTX tiếp tục tăng lên, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và người dân Thủ đô.

Số lượng các HTX tiếp tục tăng lên, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và người dân Thủ đô.

“Hàng năm, Thành phố đã bố trí ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ HTX với nội dung bồi dưỡng đa dạng như: kiến thức về luật, chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng. Qua đó, thành viên và người lao động trong các HTX hiểu rõ hơn về về vai trò, vị trí của HTX và quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia HTX. Ngoài ra, Thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai đào tạo nghề, giải quyết việc cho người lao động”, ông Hải cho biết.

Đặc biệt, Thành phố xác định thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường giúp các HTX tìm kiếm đối tác, lưu thông hàng hóa.

Giai đoạn 2012 - 2022, Hà Nội đã hỗ trợ nhiều HTX tham gia Hội chợ thương mại quốc tế tại Hà Nội và các hội chợ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước, hỗ trợ tổ chức các đoàn HTX đi tham quan mô hình điển hình tiên tiến, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường ở trong và ngoài nước, thực hiện kết nối các HTX có nhu cầu cung ứng sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm.

Số lượng các HTX áp dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều. Các HTX nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi.

Hiện, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, trình độ cán bộ quản lý HTX cũng được nâng lên. Một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, giàu kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tạo điều kiện, hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX với các chính sách về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hay thành lập mới HTX, liên hiệp HTX.

Đồng thời, Hà Nội cũng đã banh hành chính sách hỗ trợ hướng dẫn HTX ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.

Tháo gỡ khó khăn cho HTX

Mặc dù vậy, đánh giá khách quan cho thấy, tỷ trọng đóng góp của các HTX đối với nền kinh tế chưa cao. Thu nhập bình quân đầu người trong khu vực KTTT ở mức thấp so với các khu vực kinh tế khác. Quy mô HTX còn nhỏ; số lượng HTX có quy mô nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 76,6%.

Đáng chú ý, việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Đề án, Chương trình của Thành ủy về KTTT của một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên.

Một số HTX chậm thích nghi với cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa, kết nối cung cầu còn hạn chế. Một số HTX ngừng hoạt động, tồn tại danh nghĩa chưa được giải thể, còn có HTX chưa tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.

Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách phát triển KTTT, HTX ban hành chậm, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện có nơi, có lúc chưa tập trung. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KTTT còn hạn chế về biên chế. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã có lúc chưa chặt chẽ. Các khó khăn, vướng mắc, tồn tại về đất đai của HTX tồn tại nhiều năm, phức tạp chậm được giải quyết. Công tác tổng hợp thông tin báo cáo tình hình hoạt động, phát triển của KTTT, HTX trên địa bàn chưa có hệ thống...

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chia sẻ, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, qua thực tiễn cho thấy, thực hiện Luật HTX trong 10 năm qua đã có không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật, cũng như từ quá trình thi hành Luật. Giải pháp sửa đổi Luật HTX năm 2012 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững.

“Tôi cho rằng, đổi mới cả về tổ chức, phương thức quản lý, phân phối và phát huy dân chủ, phục vụ tốt nhất nhu cầu đa dạng của các hộ thành viên, giải quyết được nhiều việc làm, ổn định và tăng thu nhập của thành viên và người lao động. Ngoài ra, Thành phố cũng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX, huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT”, ông Tuấn nói.

Để giải quyết những hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, đại diện Liên minh HTX TP Hà Nội cho biết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các văn bản liên quan, nâng cao năng lực nguồn lực HTX. Bên cạnh đó, giới thiệu các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, tổ chức hoạt động hiệu quả để nhân rộng.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế HTX. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng.

Điển hình như vừa qua, Hà Nội tổ chức ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa các doanh nghiệp và HTX.

Tham gia chương trình ký kết có 12 HTX trên địa bàn Hà Nội: HTX rau quả sạch Chúc Sơn, HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, HTX nông nghiệp Nam Phương Tiến, HTX Núi Bé (huyện Chương Mỹ), HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh), HTX nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ), HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai), HTX Cuối Quý (huyện Đan Phượng), HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì (huyện Ba Vì), HTX nông sản sạch Sơn Phú (huyện Sóc Sơn), HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Viên Sơn (thị xã Sơn Tây).

"Việc ký kết hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các đơn vị, doanh nghiệp và HTX không chỉ mang lại giá trị cho nhiều bên tham gia, mà còn mang đến cơ hội dành cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn với giá cả phù hợp. Đồng thời mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp sẽ chủ động “bắt tay” cùng HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm thời gian tới", đại diện Liên minh HTX Hà Nội cho biết.

Kim Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/ha-noi-phat-trien-kinh-te-hop-tac-ca-ve-chat-va-luong-1085843.html