Hà Nội phát triển đô thị Hòa Lạc thành khu đô thị mới hiện đại

Là 1 trong 5 khu đô thị vệ tinh của Hà Nội, Hòa Lạc sẽ trở thành khu đô thị loại 1 và là đối trọng lớn ở phía Tây Thủ đô, có ý nghĩa rất quan trọng với phát triển kinh tế xã hội của vùng Thủ đô và cả nước nói chung. Hai phân khu chức năng cơ bản là khu công nghệ cao và khu ĐH Quốc gia hiện đã kết nối thuận lợi với khu vực Trung tâm Thăng Long.

Đồ án quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc

Đồ án quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc

Hòa Lạc - nơi tập trung tinh hoa trí tuệ của Thủ đô

Theo Nghị quyết về đồ án “Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ /10.000” được HĐND thành phố thông qua với tỷ lệ 93% đại biểu tham gia tán thành, đô thị Hòa Lạc sẽ được xây dựng với "hạt nhân", động lực phát triển đô thị Hòa Lạc là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội, kết nối đồng bộ các khu chức năng đô thị và nông thôn để trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao của cả nước; Trung tâm Đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề khác; Trung tâm y tế khám, chữa bệnh, điều dưỡng.

Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch đề xuất khoảng 17.274ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 600 nghìn người. Đây sẽ là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái, tiết kiệm năng lượng hàng đầu đất nước.

Khu đô thị sẽ được xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, mạng lưới hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, chú trọng giao thông công cộng, giao thông thông minh và hướng tới đáp ứng các tiêu chí phát triển đô thị thông minh và khu đô thị sinh thái. Phát triển dân cư theo hướng tập trung, hạn chế phát triển bám dọc các tuyến đường đối ngoại và phát triển lan tỏa vào các khu vực cảnh quan, kiểm soát phát triển tại các khu vực ngập lụt và khu vực thuộc hành lang thoát lũ theo quy định pháp luật.

Quy hoạch xác định phạm vi và được chia thành nhiều khu vực như: khu phát triển mới, khu bảo tồn cải tạo, khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc phát triển riêng theo chức năng.

Với định hướng quy hoạch tổ chức, không gian được phân chia thành hai vùng đặc trưng là “Vùng phát triển đô thị” và “Vùng vành đai xanh” xung quanh khu vực đô thị, đô thị Hòa Lạc được phân chia và xác định bởi tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh; khu vực phía Bắc Đại lộ Thăng Long bao gồm chủ yếu hai dự án đang được triển khai xây dựng theo quy hoạch là khu Công nghệ Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội.

Có thể thấy, thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với chính quyền Thủ đô tháng 9 vừa qua, "Hà Nội phải trở thành một Thành phố đô thị văn minh, năng động và hội nhập. Đồng thời là thành phố văn hóa, giàu bản sắc, kiến tạo và phát triển".

Một Hòa Lạc đậm bản sắc văn hóa Hà Nội

Các đại biểu tại Hội nghị đã đánh giá cao sự quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc thực hiện quy hoạch Thủ đô một cách bài bản và nhất quán. Đại biểu Trần Việt Anh (quận Ba Đình) cho rằng, cần đánh giá và đưa yếu tố văn hóa thành tiêu chí để khi đồ án được phê duyệt.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội trong phiên thảo luận

"Việc triển khai đồ án quy hoạch vào thực tế không làm mất đi bản sắc khu vực là một việc làm cần thiết. Khu đô thị Hòa Lạc là địa điểm có nhiều làng nghề nổi tiếng như Mộc Chàng Sơn, các di tích kiến trúc chùa Tây Phương, chùa Thầy... mang đậm văn hóa miền Bắc, cần được trân trọng và giữ gìn. Thành phố khi tiến hành quy hoạch khu Hòa Lạc cần đặt tiêu chí bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, giữ đúng giá trị cốt lõi của Thủ đô", đại biểu Việt Anh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Việt Anh, đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn (Thạch Thất) đề nghị thành phố báo cáo với Thủ tướng có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đại biểu này cũng chỉ ra việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Đại học quốc gia Hà Nội còn chậm, hiện được 80%, 20% còn lại không có kinh phí để thực hiện.

"Các dự án của nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào khu công nghệ cao Hòa Lạc có chiều hướng tốt, nhưng nếu không đẩy mạnh phát triển khu này thì các dự án tham gia sẽ chậm", đại biểu Hoàn cho biết.

Có thể thấy việc phát triển đô thị vệ tinh nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Theo đó, việc tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ triển khai theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Việc hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở, theo đó, Đô thị Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học – công nghệ và đào tạo. Đô thị Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế.

Đô thị Xuân Mai là đô thị dịch vụ – công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề. Đô thị Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa và Đô thị Sóc Sơn là đô thị phát triển về dịch vụ, khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc.

Việc thực hiện quy hoạch khu đô thị hy vọng sẽ đem lại một diện mạo hoàn toàn mới cho Hà Nội, nhằm giải quyết bài toán giãn dân đô thị, ùn tắc giao thông khu vực nội đô, đồng thời tạo sự phát triển bền vững cho Thủ đô, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ha-noi-phat-trien-do-thi-hoa-lac-thanh-khu-do-thi-moi-hien-dai-121317.html