Hà Nội ơi, một trái tim hồng

Tháng mười, Hà Nội ngập tràn sắc thu trong tiết trời se lạnh nồng nàn hương hoa. Tháng mười năm nay còn là dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2020) và như thế, những người đã từng gắn bó với Hà Nội dù đang ở bất cứ nơi đâu cũng đều bâng khuâng hướng lòng mình về nơi trái tim hồng của Tổ quốc.

“Dù có đi bốn phương trời

Lòng vẫn nhớ về Hà Nội

Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu

Một thời đạn bom, một thời hòa bình…”

(Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp)

LẮNG HỒN NÚI SÔNG NGÀN NĂM

Sau khi lên ngôi, năm 1010, Lý Thái Tổ đã có một quyết định rất quan trọng đối với vương triều Lý và với cả dân tộc Việt là dời kinh đô từ Hoa Lư (Trường Yên, Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội) và đổi tên là kinh thành Thăng Long.

“Ngàn năm trước cha ông đi mở nước

Dựng Hoàng thành dựng hùng khí Thăng Long

Ngàn năm sau cháu con đi giữ nước

Vẫn còn nguyên hùng khí thuở Tiên - Rồng”

(Thăng Long sử thi -

Thơ Nguyễn Việt Chiến)

Truyền thuyết lịch sử còn kể rằng vào mùa thu năm ấy, khi nhà vua rời đô lên thành Đại La thấy có áng mây hình con rồng bay lên, nên đã đặt tên cho Kinh đô mới là Thăng Long (nghĩa là Rồng bay lên). Vua Lý Thái Tổ đã ban chiếu có đoạn nói về vị thế của thành Đại La khi ấy: “Thành Đại La ở vào chính giữa trời đất, có cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây, lại tiện thế nhìn sông, tựa núi. Đất ấy rộng, lại bằng phẳng, cao ráo mà sáng sửa, dân cư không phải cái nạn tối tăm, ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giàu thịnh đông vui, xem khắp nước Việt, đó là đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất đáng mặt làm kinh sư cho muôn đời”.

“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!”

(Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi)

Sự lựa chọn kinh đô của nhà vua đã được các thế hệ ca ngợi. Đó là mảnh đất ở giao một điểm của nhiều sông ngòi để lên rừng, xuống biển, ra Bắc vào Nam đều dễ dàng, trở thành đầu mối giao thông thuận tiện, có lợi cho phát triển. Nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Đó cũng là vùng đất hội tụ nhân tài bốn phương, kết thành tinh hoa, làm thành nơi đô hội phồn thịnh. Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Qua hơn 10 thế kỷ, Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay trở thành Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.

HÀ NỘI ĐÓ NIỀM TIN YÊU HI VỌNG

Sáng ngày 10/10/1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội trong rừng cờ hoa cùng niềm vui hân hoan của hai mươi vạn người dân Thủ đô tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng. Tiếp quản Thủ đô. Cho đến 15 giờ cùng ngày, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi một hồi dài, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau Lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh.

“Ta chưa quên một mùa thu

Hà Nội vùng lên, Hồng Hà cuộn sóng

Ta chưa quên những ngày đêm mịt mù bão lửa

Đêm pháo hoa anh lại gặp em

Trời Điện Biên Hà Nội chiến thắng

Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội

Cầu Thăng Long soi bóng nước sông Hồng

Tiếng người nói âm vang hồn sông núi

Hà Nội đi lên hôm nay trong nắng Ba Đình”

(Trời Hà Nội xanh – Văn Ký)

Trong nỗi nhớ lớn lao hùng vĩ còn có những kí ức rất riêng biệt, tinh tế luôn đong đầy trong trái tim những người con xứ Hà Thành, những người đã có một thời buồn vui bao điều với từng con ngõ nhỏ, phố nhỏ thân thương:

“Em ơi, Hà Nội phố

Ta còn em mùi hoàng lan

Ta còn em mùi hoa sữa

Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ

Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm

Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông

Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông

Mảnh trăng mồ côi mùa đông”

(Em ơi, Hà Nội phố - Phú Quang)

Chiều 7/10/2020 tại Hà Nội, Nhạc sĩ Phú Quang vừa được Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội khi ông đang nằm trên giường bệnh. Một lần trả lời phỏng vấn, Phú Quang đã tâm sự cảm xúc khi xa Hà Nội: “Trong tôi là nỗi nhớ thiết tha, như một dòng sông chảy, lúc êm đềm, lúc cồn cào con sóng… Tôi đã lớn lên bằng những kỷ niệm của thành phố một thời bom đạn. Thời trai trẻ của tôi thuộc về Hà Nội. Mối tình đầu của tôi cũng thuộc về Hà Nội”.

Tháng mười cũng là mùa những cây hoa sữa rợp bóng trên đường Nguyễn Du, Quán Thánh hay Quang Trung khiến người nhiều ngơ ngẩn. Cũng là mùa của những cây lộc vừng bừng nở và soi bóng xuống hồ Hoàn Kiếm, bên những băng ghế đá quanh hồ và những người thong thả tản bộ. Hà Nội cổ kính có phần xưa cũ nhưng chính những điều đó đã trở thành nét đặc trưng riêng mà những nơi náo nhiệt, hiện đại không có được.

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,

Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,

Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,

Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,

Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”

(Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn)

Hà Nội đẹp sâu lắng, êm đềm và thơ mộng đặc biệt trong nỗi nhớ của nghìn xa, nghìn cách. Có phải là ngẫu nhiên không khi những sự kiện lớn của đất nước, của Hà Nội đều chọn mùa thu? Mùa thu của nước nhà độc lập, mùa thu của ngày giải phóng thủ đô.

Mỗi người sẽ cảm nhận Hà Nội theo cách riêng của mình nhưng chắc rằng cảm xúc về mùa thu tháng Mười sẽ ngọt lành và lắng đọng khi đến và khi mang theo đi, dù xa tận phương nào:

“Người Hà Nội hôm nay ra đi,

mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ.

Những ánh đèn qua ô cửa sổ,

bầu trời đêm, cháy bỏng tình yêu.

Một chàng trai là chiến sỹ biên phòng,

một cô gái lên đường đi xa,

vẫn thủy chung với cả tấm lòng

Hà Nội ơi, một trái tim hồng!”

(Hà Nội trái tim hồng - Nguyễn Đức Toàn)

VŨ THANH HOA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202010/ha-noi-oi-mot-trai-tim-hong-910801/