Hà Nội: Nước lũ rút dần, người dân ngoại thành vẫn phải đi lại bằng thuyền

Tại nhiều xã trong huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn ngập sâu nhiều mét. Việc đi lại của người dân chủ yếu bằng thuyền bè, phao tự chế.

Liên quan vụ việc nước trên sông Bùi dâng cao khiến nhiều người dân lo lắng, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết tính đến trưa 31/7, nước lũ đang rút dần.

“Tính đến thời điểm 11h, mực nước sông Bùi đã hạ xuống còn 7,38m, tức là so với chiều ngày 30/7 thì đã giảm được 11cm. Toàn bộ hệ thống đê Tả Bùi tính đến thời điểm này về cơ bản là an toàn”, ông Hùng nói.

Chiều 31/7, về cơ bản đê sông Bùi được gia cố, đảm bảo an toàn. Nhưng nhìn mực nước chênh lệch, không ít người dân vẫn lo ngại. Ảnh: Vi Bình

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, nước sông Bùi dâng cao mấy ngày nay khiến nhiều xã của huyện Chương Mỹ bị ngập gồm: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Quất Động. Trong đó xã Nam Phương Tiến bị nặng nhất có 2.310 hộ bị ngập, 831 hộ bị cô lập.

Chiếc công nông này là phương tiện duy nhất hoạt động hết công suất phục vụ bà con xã Nam Phương Tiến đi lại. Ảnh: Quang Vinh

Tại khu dân cư có những điểm ngập sâu 2m, ngoài đồng có chỗ đến 6-7m. Trước mắt chính quyền mới chỉ tập trung di chuyển tài sản và người dân đến nơi an toàn và hỗ trợ mì tôm, nước và nến.

Hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn xã Nam Phương Tiến vẫn ngập sâu đến 2m.

Có mặt tại xã Tân Tiến chiều 31/7, tình trạng ngập nước vẫn khiến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Đáng ngại nhất là việc rác thải sinh hoạt, xác động vật nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Người dân gặp nhiều khó khăn, phải di chuyển bằng thuyền.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn trí Đối, trưởng thôn Tân Tiến, xã Tân Tiến cho biết: “Thôn chúng tôi có tới 400 hộ gia đình bị ngập, Hiện tại, mực nước đã giảm hơn 20 cm so với hôm qua (30/7) nhưng vẫn sâu. Chúng tôi lo ngại phải vài tháng sau nước mới rút hết như các năm thì bà con rất khổ. Ngay như hiện tại nhiều gia đình không có nước sạch để sử dụng”.

Một con chó cố bơi ra khỏi khu vực nước ngập.

Cũng theo ông Đối , nhiều hộ dân bị ngập phải sơ tán đến nhà anh em để chờ lũ rút nước. Biện pháp tạm thời của địa phương là nước rút đến đâu vệ sinh đến đó.

Do ngập sâu, người dân trong thôn phải dùng thuyền để di chuyển. Ngoài đi thuyền, người dân chỉ còn cách lội nước mỗi khi ra khỏi nhà.

Ngoài nước ngập, các hộ dân tại đây phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng.

Theo quan sát, các con đường trong thôn biến thành sông. Đa số người dân đã di tản, chỉ còn vài người ở lại trông đồ đạc.

Các con đường trong thôn biến thành sông. Đa số người dân đã di tản, chỉ còn vài người ở lại trông đồ đạc.

Còn tại xóm Nằng (xã Tân Tiến) bị cô lập hoàn toàn. Theo lời người dân nơi đây kể lại, năm nay có mức nước ngập cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lần gần nhất có mực nước xấp xỉ như vậy là năm 2008.

Hai chị em ở "vùng lũ” đuối nước thương tâm

Người dân ven đê sông Bùi (đoạn qua xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội) mới phát hiện 2 thi thể nổi. Qua xác minh, hai nạn nhân là chị em ruột (chị 12 tuổi, em 10 tuổi) sống cách vị trí phát hiện thi thể khoảng 1km.

Lãnh đạo xã Tốt Động cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới cả tuần qua Hòa Bình mưa lớn cộng thêm hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến nước sông Bùi chảy về huyện Chương Mỹ, tràn ngập con đê dẫn tới nguy cơ đuối nước gia tăng.

Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Vi Bình – Ngọc Tuấn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-nuoc-lu-rut-dan-nguoi-dan-ngoai-thanh-van-phai-di-lai-bang-thuyen-20180731151529735.htm