Hà Nội: Nông dân chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại

Theo dõi sát các thông tin về diễn biến thời tiết, nông dân ngoại thành Hà Nội đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Hộ bà Trương Thị Thuận, ở xã Tản Lĩnh, Ba Vì đang nuôi hơn chục con bò chia sẻ: “Đợt rét này tuy nhiệt độ không giảm quá sâu như đợt rét trung tuần tháng 12/2020, nhưng gia đình tôi vẫn rất cẩn thận, che chắn bạt chuồng trại kỹ lưỡng để giữ ấm cho bò, cùng với đó là dự trữ đầy đủ thức ăn tinh, rơm, cỏ… nhằm tăng sức đề kháng cho bò”.

 Bà Trương Thị Thuận, ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì chăm sóc đàn bò

Bà Trương Thị Thuận, ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì chăm sóc đàn bò

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) cho hay: “Mặc dù chuồng trại đã được xây dựng với quy mô bài bản, khép kín, song những ngày nhiệt độ giảm xuống dưới 15 độ C, chúng tôi luôn vận hành hệ thống điện thắp sáng 24/24h để sưởi ấm cho đàn lợn nái và lợn giống”.

Nhận định tình hình rét đậm, rét hại kéo dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đã tích cực khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, với đàn vật nuôi, kinh nghiệm nhiều năm chống rét của Hà Nội cho thấy, nông dân đã rất chủ động không chăn thả gia súc, gia cầm ở ngoài trời; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi và bổ sung thức ăn tinh (bột ngô, sắn hoặc cám gạo), muối khoáng, men tiêu hóa... Dù vậy, các cơ quan, đơn vị chức năng cũng không thể chủ quan, phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các giải pháp chống rét.

Thắp đèn sưởi ấm cho đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai)

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, những năm gần đây, trên địa bàn huyện không có hiện tượng trâu, bò bị chết rét trong mùa đông. Tuy nhiên, huyện vẫn chỉ đạo các xã cử cán bộ thú y trực tiếp xuống thôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con phương pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, không tạo tâm lý chủ quan.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế Đặng Thị Tươi, huyện đã tuyên truyền đến nông dân, hợp tác xã tập trung gieo cấy trà xuân muộn với trên 80% diện tích và không gieo mạ hoặc cấy vào những ngày rét đậm, rét hại.

Vụ Đông xuân 2020 - 2021, Hà Nội phấn đấu gieo trồng hơn 105.000ha cây trồng các loại, trong đó, diện tích lúa là trên 84.600ha, còn lại là rau màu và các loại cây trồng khác. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại, Sở đã hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ, chăm sóc mạ và lúa vụ xuân 2021; đồng thời có phương án chuẩn bị nguồn giống lúa dự phòng để gieo mạ hoặc gieo thẳng, gieo sạ kịp thời nếu rét kéo dài gây thiếu mạ.

TP cũng đã sớm có kế hoạch ứng phó với việc phải chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn để có sự chỉ đạo đồng bộ về vùng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng. Ngoài ra, cơ quan khuyến nông tiếp tục tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-nong-dan-chu-dong-ung-pho-voi-ret-dam-ret-hai-405895.html