Hà Nội nói về trợ giá nước sạch sông Đuống, không có lợi ích nhóm?

TP Hà Nội hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho Nhà máy nước sạch sông Đuống do tư nhân đầu tư là hoàn toàn 'đúng quy trình'.

Chiều 12/11, tại Hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của Hà Nội đã thông tin về tình hình nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong đó, có nội dung Công ty nước sạch sông Đuống thông tin về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên không có một đại diện lãnh đạo nào của công ty này có mặt, thay vào đó là đại diện Văn phòng UBND TP, Sở Xây dựng, Sở Tài chính TP Hà Nội trả lời và cung cấp thông tin cho báo chí.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội trả lời các câu hỏi liên quan đến Nhà máy nước sạch sông Đuống.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội trả lời các câu hỏi liên quan đến Nhà máy nước sạch sông Đuống.

Cũng rất ngạc nhiên, nội dung thông tin về “Công ty nước sạch sông Đuống thông tin về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố”, nhưng mấy chục cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và Hà Nội cũng không nhận được một dòng thông tin nào liên quan. Nội dung là đại diện các Sở, ngành của Hà Nội trả lời bằng miệng.

Mở đầu nội dung thông tin "Công ty nước sạch sông Đuống thông tin về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố", ông Võ Tuấn Anh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho biết quy mô thực hiện dự án trong giai đoạn 1 đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm và đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000 m3 ngày/đêm, giai đoạn 3 đến năm 2030 sẽ đạt công suất 900.000 m3 ngày/đêm.

Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm, vượt tiến độ hơn 1 năm.

"Với tốc độ phát triển đô thị của TP nhanh như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu nước sạch của nhân dân Thủ đô năm 2020 với khoảng 2 triệu m3 ngày đêm, nên việc đầu tư bổ sung thêm dự án nước sạch là cấp thiết. Dự án này được TP giao cho nhà đầu tư thực hiện ngoài ngân sách", ông Võ Tuấn Anh nói.

Ngay sau phần báo cáo của ông Võ Tuấn Anh, các phóng viên, báo chí đã gửi hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc tại sao giá nước sạch sông Đuống lại cao hơn mặt bằng giá nước sạch do các công ty khác sản xuất? Tại sao mỗi năm TP Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch cho Công ty nước mặt sông Đuống?...

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Nhà máy nước mặt sông Đuống có công nghệ tiên tiến đến mức có thể uống được nước tại vòi. Các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra để đảm bảo nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trả lời các câu hỏi trên, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết Nhà máy nước mặt sông Đuống có công nghệ tiên tiến đến mức có thể uống được nước tại vòi. Các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra để đảm bảo nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Liên quan đến giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã đưa ra hàng loạt văn bản liên quan, nhưng chỉ chốt lại một ý là "phải tính đúng, tính đủ" theo quy định.

Nhiều câu hỏi của phóng viên các báo, đài không nhận được câu trả lời của đại diện các sở, ngành của Hà Nội.

Ông Hà cho rằng việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ" cụ thể đó là: Chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%. "Trên cơ sở tính toán của liên Bộ, thì nước sạch sông Đuống có giá tạm tính 10.246 đồng/m3. Mức này chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức cụ thể thì chỉ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức" - ông Hà nói.

Về thông tin hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch sông Đuống (do giá nước sạch sông Đuống cao hơn), ông Hà cho biết đến thời điểm này chưa xác định được giá nước sạch sông Đuống (mới tạm tính giá) vì dự án chưa được quyết toán. Ông Hà khẳng định: "TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan".

Về câu hỏi của phóng viên VOV.VN và Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC về đảm bảo an ninh nguồn nước. Đặc biệt là về đường ống cấp nước của Nhà máy nước sông Đuống dùng gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Điều đáng nói vào năm 2016, cũng chính nhà thầu Xinxing từng bị Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) hủy hợp đồng mua ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà số 2 sau khi dư luận phản đối, Chính phủ và TP Hà Nội vào cuộc thì vì sao lại dùng ống này ở Nhà máy nước sông Đuống.

Về câu hỏi trước khi Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 tổ chức khánh thành, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng đã có văn bản số 447/GĐ-GĐ3 gửi TP Hà Nội có nêu nhiều nội dung công trình có nhiều hạng mục không đạt tiêu chuẩn, chưa được nghiệm thu....và từ đó nêu đề xuất Hà Nội cần xem xét lại việc tổ chức khánh thành.

Tuy nhiên lễ khánh thành vẫn cứ diễn ra... đã không được trả lời một cách thỏa đáng. Một số câu hỏi được quan tâm là Hà Nội đang kêu gọi tư nhân đầu tư vào nước sạch. Từ bài học nước nhiễm dầu của công ty nước sạch Sông Đà mới đây, liệu Hà Nội có quá vội vàng trong xã hội hóa đầu tư nước sạch, gây mất an ninh nước sạch. Dư luận cho rằng, có việc phân chia miếng bánh lợi ích trong việc này? Quan điểm của thành phố ra sao?

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu quốc hội đã lo ngại về việc bán cổ phần Nhà máy nước mặt sông Đuống cho một tỷ phú Thái Lan. Dư luận cũng cho rằng, Hà Nội đã ưu ái nhà đầu tư rất nhiều, nhưng vừa làm xong, họ đã bán đi, làm sai lệch chủ trương của thành phố.... cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng./.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-noi-ve-tro-gia-nuoc-sach-song-duong-khong-co-loi-ich-nhom-977904.vov