Hà Nội nỗ lực ổn định đời sống người dân vùng lũ

Những ngày qua, mưa lũ lớn dẫn đến sự cố đê điều, làm ngập úng nghiêm trọng nhiều xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Ðức (Hà Nội). Ðến nay, nước lũ bắt đầu rút, nhưng vẫn ở mức cao, mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân vẫn bị ngưng trệ. Thành phố Hà Nội và chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân trong vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.

Nhiều khu vực vẫn ngập sâu

Chiều 16-10, bốn ngày sau khi xảy ra sự cố tràn và vỡ đê nhánh của sông Bùi, hàng chục gia đình ở khu dân cư Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ vẫn ngập trong mênh mông nước. Nhiều người già, trẻ em vẫn sơ tán ở nhà người thân, chưa thể về nhà. Sân nhà ông Nguyễn Văn Chẩn (số nhà 77, tổ 2, khu Bùi Xá) ngập cao đến đầu gối, bốc mùi hôi thối, tường nhà còn nguyên ngấn nước ẩm ướt ngang ngực. Ông Chẩn cho biết: "Nhờ chính quyền địa phương và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn kịp thời hỗ trợ di chuyển người già, trẻ nhỏ, vật nuôi, đồ đạc, cho nên hạn chế được thiệt hại. Chúng tôi được tiếp tế kịp thời nước uống, mì tôm… Nước đang rút nhưng rất chậm".

Huyện Chương Mỹ có hai xã bị ngập sâu là Tân Tiến và Nam Phương Tiến. Hiện xã Tân Tiến còn 367 nhà dân và xã Nam Phương Tiến còn 831 nhà dân bị ngập, một số khu vực dân cư bị cô lập. Khó khăn chủ yếu của người dân ở đây là thiếu nước sinh hoạt, đèn chiếu sáng và lương thực, thực phẩm. Trong số sáu trường học bị ngập nước, hai trường đã trở lại hoạt động bình thường là Tiểu học Thủy Xuân Tiên và Tiểu học Mỹ Lương. Bốn trường vẫn ngập úng sâu, học sinh phải nghỉ học.

Huyện Mỹ Ðức cũng có nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ này. Tại xã Hợp Tiến, trong những ngày đỉnh lũ có khoảng 1.900 nhà bị ngập, trong đó nhiều nhà ngập sâu đến mái. Hiện, nước đã rút được khoảng 50 cm, nhưng vẫn còn khoảng 1.200 nhà dân chìm trong nước. Nhiều khu vực như thôn La Ðồng, Trại Mới, vẫn bị cô lập. Cụ Nguyễn Thị Thanh, 84 tuổi, ở xóm 3, thôn La Ðồng cho biết: "Mực nước lũ năm nay cao hơn khoảng 20 cm so với trận lụt lịch sử năm 2008". Nước ngập sâu khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhiều nhà nằm ở khu vực trũng, nước ngập sâu khoảng 1,5 m.

Trường tiểu học và Trường mầm non Hợp Tiến, dù nằm ở vị trí cao ráo, nhưng đến nay vẫn phải đóng cửa vì nước ngập trắng sân trường. Cô giáo Trần Thị Bình, Hiệu trưởng Trường mầm non Hợp Tiến chia sẻ: "Xã có năm điểm trường mầm non thì ba điểm trường, gồm La Ðồng, Phú La, Phú Liễn bị ngập sâu. Ðể bảo đảm an toàn cho học sinh, trường đã cho các em nghỉ học từ ngày 11-10. Nước rút đến đâu, các thầy giáo, cô giáo tập trung dọn dẹp vệ sinh, khử trùng phòng học đến đó để chuẩn bị đón học sinh trở lại lớp".

Tập trung khắc phục hậu quả

Mặc dù mưa lũ gây ngập úng nghiêm trọng, tuy nhiên, nhờ sự chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư trang thiết bị tại chỗ của các địa phương, cho nên hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết: Huyện đã huy động 1.862 lượt người tham gia chống úng ngập, sơ tán 8.882 người đến nơi an toàn. Ngay trong ngày 12-10, huyện đã cấp cho các hộ dân khu Bùi Xá 150 thùng mì tôm và 150 thùng nước uống.

Trong các ngày sau, huyện phối hợp các ngành, tổ chức mua sắm, tiếp nhận gần 2.500 thùng mì tôm, 3.316 cây nến, 1.950 bình nước, 300 chiếc đèn pin, 80 lọ dung dịch vệ sinh... toàn bộ số hàng, nhu yếu phẩm này được trao cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Hai xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến được một số đơn vị hỗ trợ 500 thùng nước uống và ba máy lọc nước. Trong đó, có hai máy lọc nước công nghệ của Ðức, không cần sử dụng điện có thể lọc nước sông thành nước sạch uống được, với công suất 1.500 lít/ngày…

Hiện nước sông Bùi đã hạ khoảng 1,5 m nhưng vẫn ở mức cao và rút rất chậm. Huyện phân công các cán bộ trực liên tục 24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triển khai phương án ứng phó kịp thời. Ðồng thời, các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, tiếp tục cứu trợ, bảo đảm đời sống nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, mưa lũ làm ngập 4.399 nhà dân trên địa bàn, trong đó có 1.184 hộ phải di dời. Huyện đã chuẩn bị nhu yếu phẩm, kịp thời cung cấp cho người dân, bảo đảm không một người dân nào bị đứt bữa. Huyện đôn đốc UBND các xã, thị trấn, Xí nghiệp Thủy lợi Mỹ Ðức, vận hành các trạm bơm tiêu; tu sửa ngay các đoạn đường bị hư hỏng; sửa chữa xong các điểm sạt lở bờ hữu sông Ðáy. Hiện nay, các đơn vị tập trung cứu trợ người dân; tổng hợp thiệt hại cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Ðồng thời xây dựng kế hoạch khoanh vùng, bơm tiêu để tiếp tục trồng rau, màu; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi, thủy sản còn lại, vệ sinh tiêu độc, phòng, chống dịch bệnh khi nước rút.

Lãnh đạo thành phố liên tục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, thị sát địa bàn để chỉ đạo kịp thời, thiết thực. Chiều 16-10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung đi kiểm tra tình hình úng ngập tại hai xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến. Ðồng chí yêu cầu huyện tập trung cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là cung cấp nước sạch; đôn đốc các công ty thủy lợi bơm tiêu úng hết công suất, phấn đấu bơm tiêu hết ngập trong 10 đến 15 ngày, không để ngập kéo dài 40 ngày như năm 2008. Công tác vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh, bảo đảm an ninh trật tự trong các khu dân cư cần được chú trọng.

Chiều 17-10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã tới thăm hỏi, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các xã bị ảnh hưởng nặng nề ở huyện Mỹ Ðức, Chủ tịch HÐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã thị sát tình hình ngập lụt, thăm hỏi và tặng quà các hộ dân bị ảnh hưởng tại huyện Chương Mỹ.

ĐẮC SƠN và HẠNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34432702-ha-noi-no-luc-on-dinh-doi-song-nguoi-dan-vung-lu.html