Hà Nội nỗ lực cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn

Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, song quá trình kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm.

Từ nay đến cuối năm 2024, để bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, qua đó cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một bếp ăn tập thể ở huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thu Hồng

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một bếp ăn tập thể ở huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thu Hồng

Vẫn phát hiện vi phạm

Để kiểm soát an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mỹ Đức thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể... Các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra 86 cơ sở, trong đó phát hiện 14 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 28 triệu đồng.

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, các lỗi vi phạm chủ yếu là bày bán, chứa thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ không bảo đảm vệ sinh; người chế biến không mặc trang phục bảo hộ; thực phẩm không được che, ngăn bụi bẩn và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Việc sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp của nông dân chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, có thực tế là chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại địa phương. Đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và cơ bản là thực hiện nhiệm vụ theo hình thức kiêm nhiệm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, trên địa bàn huyện hiện có 2.272 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tới người dân. Riêng ngành Y tế huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với 1.000 người tham dự.

Cùng với đó, huyện phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) tổ chức 1 lớp tập huấn cho tổ giám sát bữa cỗ tập trung đông người và 1 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể với 170 người tham dự. Huyện cũng thường xuyên tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm trên Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn, nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã tổ chức kiểm tra 1.587 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, xử phạt vi phạm hành chính 57 cơ sở với số tiền hơn 315 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa theo quy định.

Tuyên truyền đi đôi với xử phạt nghiêm

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, quận đang tập trung cao độ cho việc quản lý, bảo đảm công tác an toàn thực phẩm tại các chợ để cung ứng nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng phục vụ người dân. Cùng với tuyên truyền, các cơ quan chức năng trên địa bàn quận thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Cùng với các quận, các huyện, như: Chương Mỹ, Thanh Oai, Thạch Thất, Thanh Trì... cũng đang tập trung tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thông qua các chiến dịch truyền thông; ký cam kết trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng giám sát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, tiến hành hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề... Đặc biệt, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm...; đầu tư trang thiết bị đánh giá chất lượng, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, Thanh Oai sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ huyện tới xã, thị trấn theo hướng thống nhất một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Để việc quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tập trung vào công tác hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định.

Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ các mô hình điểm, như: Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm theo các chuyên đề, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở đủ điều kiện; khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

Ðối với người tiêu dùng, cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm; chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-no-luc-cung-cap-nguon-thuc-pham-sach-an-toan-685349.html