Hà Nội những ngày Tết!

Hà Nội ngày thường lúc nào cũng đông, thậm chí có chỗ đông đặc, đông kịt, đông đến mức có chỗ muốn sang đường cũng ngại. Nhưng có một ngày, một sáng thức dậy bỗng ngỡ ngàng nhận ra Hà Nội quang đãng và yên bình lạ thường - đó là sáng mùng 1 Tết.

Chiều 30 Tết, phố xá Hà Nội vắng dần

Sáng mùng 1 Tết, phố xá Hà Nội vắng ngắt như thành phố đang chìm đắm trong một cơn mê bất ngờ. Các cửa hiệu lớn trên phố Hàng Bông, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Tây Sơn… đóng kín cửa, quanh hồ Gươm chỉ lác đác vài người đi dạo. Cầu Thê Húc lặng lẽ cong mình khoe màu đỏ kiêu kỳ. Phố xá như rộng ra, dài ra, các ngõ nhỏ hun hút, vài chiếc lá vàng rơi dìu dịu như một sự nhấn nhá cho cái tĩnh lặng.

Nhưng sự tĩnh lặng của phố xá Hà Nội sớm ngày mùng 1 Tết không phải đến quá bất ngờ. Nó đã được chuẩn bị từ chiều 30 Tết và vài hôm trước. Từ cỡ 23 tháng Chạp trở đi, các Bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm… đã đông đặc hành khách lên đường về quê ăn Tết. Ở các ga tàu Hà Nội, Gia Lâm, đoàn tàu dài như con rắn khổng lồ vẫn phải nối thêm toa. Hành khách thì ai cũng khệ nệ hành lý chuẩn bị cho một kỳ nghỉ dài ngày và lách nhách những món quà Tết.

Con tàu nặng nề chầm chậm chuyển bánh vượt sông Hồng, bánh xe nghiến ken két trên đường ray trườn mình về Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn, Lào Cai… Chiều muộn 30 Tết vẫn có những chuyến xe, chuyến tàu vét những hành khách cuối cùng rời khỏi Hà Nội, bớt đi một lượng lớn người sinh sống, học tập, làm việc ở Thủ đô hàng ngày.

Chiều 30 Tết, phố xá Hà Nội vắng dần. Hầu hết các cửa hiệu đã đóng cửa để dọn dẹp đón năm mới, nhưng trên các phố thỉnh thoảng vẫn thấy các hàng bán rau mùi già để đun nước tắm cho thơm người. Và ở các khu chợ, siêu thị vẫn còn nhộn nhịp người mua sắm, nhất là khu chợ hoa, chợ bán đồ cổ ở mấy phố Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng...

Chợ hoa đông vì người ta đi mua vét những cành hoa cuối cùng với giả rẻ hoặc lượn qua chợ đồ cổ để lượm những món hàng vừa ý, vì có thể người bán muốn về mà bán rẻ. Tuy thế, vào chiều muộn, trên phố Phan Đình Phùng, một trong những con phố đẹp nhất của Hà Nội, chị lao công vẫn miệt mài quét những chiếc lá cuối cùng để chuẩn bị chu đáo cho ngày đón năm mới thật sạch sẽ.

Đêm 30 Tết rực rỡ ánh đèn, pháo hoa

Chiều 30 Tết, phố Hà Nội thưa vắng nhưng gần Giao thừa phố lại đông vui vì mọi người đổ ra đường xem bắn pháo hoa và tận hưởng cảm giác se lạnh của thời khắc cuối cùng của năm. Đêm 30 Tết, thành phố không ngủ, quanh bờ Hồ và các quảng trường lớn đông nghịt người. Trai gái rủ nhau đi chơi, ông bà già ra ngắm phố, trẻ con háo hức xem bắn pháo hoa và khách nước ngoài thì quan sát, thưởng thức không khí đón Tết ấm cúng, đông vui ở một nước Á Đông xa lạ.

Đêm 30 Tết, phố xá rực rỡ ánh đèn, pháo hoa. Các phố lớn như Phan Đình Phùng, Nguyễn Chí Thanh, Hai Bà Trưng, Bà Triệu… đèn lung linh đủ màu. Người người đi trong màu sắc và âm thanh của thời khắc giao thời. Ai cũng háo hức chờ đón một năm mới. Giao thừa vừa xong là người ta đổ về chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… để xin lộc cầu may.

Đêm 30 Tết phố thức khuya nên sáng mùng Một, phố tĩnh lặng như những ngày rất xưa. Phải đến gần trưa, phố xá mới bắt đầu đông người. Người Hà Nội thích du xuân vào buổi chiều nên từ khoảng đầu chiều, đường phố mới nhộn nhịp người đi chơi, chúc Tết. Điểm đến ưa thích vẫn là những ngôi chùa lớn nổi tiếng, ngoài Quán Sứ, Trấn Quốc, Bà Đá còn có phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, đền Bạch Mã…

Lạ nhất là mùng một Tết thường lạnh nhưng người Hà Nội vẫn ăn kem. Người lớn, trẻ em, thanh niên ai cũng thích món kem truyền thống trên phố Tràng Tiền. Trời lạnh mà hàng kem vẫn đông, có khi phải xếp hàng dài mới đến lượt mình.

Rồi suốt những ngày Tết, đa số các quán xá đóng cửa để đi chơi nhưng thỉnh thoảng vẫn có chỗ mở để phục vụ người đi đường, khách du lịch. Ngày Tết nhưng vẫn có những hàng ăn đông khách. Những nam thanh nữ tú đi chơi với bạn quá bữa ghé vào một hàng quà nào đó làm bát bún riêu cho khác miệng.

Đến ngày mùng 5 Tết, khí xuân vẫn còn rạo rực nhưng phố xá đã đông dần lên, mọi người rậm rịch từ các địa phương lân cận lại ngược xuôi về Hà Nội chuẩn bị cho những ngày làm việc mới. Nhưng vẫn còn một ngày hội lớn trong ngày Tết được nhiều người tham dự và gần như là lễ hội sớm nhất trong năm: Lễ hội gò Đống Đa.

Lễ hội gò Đống Đa: Một ngày đặc biệt

Lễ hội gò Đống Đa có lẽ là một ngày hội rất đặc biệt. Nó vừa rất sớm, ngay trong những ngày Tết và có ý nghĩa hồi cố lại những mùa xuân hào hùng năm xưa. Đó là ngày mùng năm Tết năm Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung đã thống lĩnh đại quân, giáng cho quân Thanh những đòn chí tử, chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài vào nền độc lập của dân tộc. Chiến thắng này được coi là những trận chiến thần tốc và kỳ tích nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước.

Thắng trận Ngọc Hồi, trận Đống Đa, vua Quang Trung tiến vào Thăng Long và đến trưa hôm ấy đoàn quân của vị vua áo vải cờ đào đã làm chủ Thăng Long trong sự vui mừng khôn xiết của người dân. Vẫn là những ngày Tết nên hoa đào thắm, bánh chưng, rượu ngon được mang ra để đón đoàn quân chiến thắng. Vì ý nghĩa quan trọng như vậy nên Lễ hội gò Đống Đa đã trở thành ngày Quốc lễ của dân tộc, là một trong những lễ hội sớm và quan trọng nhất của Hà Nội.

Mùng 5 Tết, hương xuân bảng lảng khắp nơi, người đi trên phố đã đông dần, thành phố đang trở lại nhịp sống thường ngày. Tham dự một lễ hội lớn, hòa vào dòng người chiêm ngưỡng sự tái hiện những chiến tích lẫy lừng năm xưa, thấy thành phố vừa hài hòa trong sự tươi mới của tuổi trẻ lại đằm sâu trong một không gian lịch sử của những mùa xuân vĩnh hằng.

Nhà văn Uông Triều

Nhà văn Uông Triều

Nhà văn Uông Triều

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/ha-noi-nhung-ngay-tet/798689.antd