Hà Nội như cà phê trứng, kỳ lạ và rất ngọt ngào

Khi được hỏi cảm nhận khi lần đầu tới Hà Nội, cô gái người Pháp cười và chỉ vào ly cà phê trứng: 'Nó giống như vậy, kỳ lạ và rất ngọt ngào'.

Lễ thượng cờ lúc 6h sáng

Những sớm mùa thu trời se lạnh là những ngày người ta thấy rõ như in cái tình của Hà Nội. Vẫn như mọi khi, đúng 6h, nhạc Quốc ca lại vang lên trong lễ Thượng cờ ở quảng trường Ba Đình. Mọi người xung quanh dừng mọi hoạt động, hướng mắt về phía lá cờ. Có cả những người già của thế hệ lịch sự đi trước, người trẻ hay cả những du khách nước ngoài.

Ông Hùng, nhà cách quảng trường khoảng 1 km sáng nào cũng đi bộ tới đây tập thể dục và để được chào cờ, nghe Quốc ca vang vọng. Ông chia sẻ lần đầu tiên chứng kiến lễ thượng cờ là lần cảm xúc nhất, gợi cho ông nhớ về những ngày tháng cũ của Hà Nội trước đây, những ngày thủ đô giải phóng, độc lập, cờ hoa bay rực rỡ. Sau đó hơn chục năm kể từ khi về hưu, ngày nào ông cũng tập thể dục, chứng kiến lễ thượng cờ với một tâm thế tôn trọng và trang nghiêm hơn.

Hà Nội tỉnh giấc từ sớm

Bắt đầu một ngày mới là việc tập luyện thể dục rèn luyện sức khỏe của người dân. Quanh hồ Hoàn Kiếm, những tốp 4-5 người và các câu lạc bộ của người cao tuổi, giới trung niên và cả những bạn trẻ năng động chia nhau mỗi nhóm một vị trí. 6h, trời vẫn chưa sáng hẳn, mặt hồ còn lờ mờ sương sớm, xe cộ chưa đi lại nhiều. Có vẻ như Hà Nội lúc này không quá ồn ào, vội vã nữa. Không khí trong lành buổi sáng cũng làm người ta cảm thấy thư thái hơn để bắt đầu công việc cho ngày mới.

Chợ sáng Hà Nội

Vẫn là câu chuyện buổi sáng với những nét riêng của Hà Nội, khi những cửa hàng, tòa nhà, cơ quan công sở còn im lìm chưa đến giờ làm việc thì chỉ có các khu chợ là nơi nhộn nhịp nhất. Cứ khoảng 4h30 - 5h bà con tiểu thương bắt đầu họp đông đúc.

Chợ trong sân tập thể, chợ trong ngõ, chợ cóc… đã gắn liền với cuộc sống của người dân Hà Nội từ rất lâu. Không chỉ của Hà Nội, chợ còn là nét văn hóa đời sống đặc trưng trên khắp các nẻo miền quê của Việt Nam. Nhắc đến chợ, người ta sẽ luôn hình dung ra được những tiếng cười nói xôn xao của mấy bà, tiếng í ới gọi nhau của lũ trẻ con chạy theo mẹ, tiếng mặc cả, rao bán của những cô hàng rau hàng thịt… tất cả tạo nên một bầu không khí dù ồn ào đấy nhưng lại rất thân thuộc.

Phở Hà Nội

Nhắc đến Hà Nội, lúc nào người ta cũng không quên nói về phở. Phở có từ những năm thế kỷ XX. Nhưng cũng không ai biết được từ khi nào, phở lại dần quen thuộc và trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam. Người nước ngoài tới Hà Nội thì ai cũng nhất định phải thử ăn một lần cho biết. Còn với những người dân sinh sống ở Hà Nội, sáng sáng đi ăn bát phở nóng rồi ngồi trà đá hay uống ly cà phê thì mới là “chuẩn vị”.

Trước đây, phở chỉ được coi là một món ăn sáng. Thế nhưng hiện nay, với nhu cầu ngày một tăng, người ta có thể dễ dàng tìm thấy quán phở ở hầu hết mọi nơi tại Hà Nội và có thể thưởng thức nó bất cứ khi nào. Từ sáng sớm tinh mơ, đến những bữa trưa, bữa tối…thậm chí là những gánh phở đêm lúc nào cũng nghi ngút.

Anh Ascel (người Pháp) lần đầu tiên đến Hà Nội. Nhờ Internet, cô cùng những người bạn của mình đã biết đến quán cà phê Đinh. Trong suốt buổi nói chuyện, cô đã nhắc tới 3 lần rằng bản thân rất ngạc nhiên vì giá thành của cà phê ở đây rất rẻ so với sự nổi tiếng của quán. Cũng như những ấn tượng rõ nét về phong cách thiết kế lạ mắt, nó giống như căn phòng cũ của một gia đình với những bức ảnh được in từ lâu, những bình hoa, góc tường bạc màu... Khi được hỏi cảm nhận khi lần đầu tới Hà Nội, Ascel cười và chỉ vào ly cà phê trứng: “Nó giống như vậy, kỳ lạ và rất ngọt ngào”.

Những khu tập thể cũ kỹ

Nếu để tìm một nơi mang đậm hơi thở cuộc sống của người Hà Nội xưa có lẽ phải nhắc lại về những khu tập thể cũ. Khái niệm về “khu tập thể” có từ những năm 1954, tuy nhiên phải đến những năm 1960-1970, nhà tập thể ở Hà Nội mới bắt đầu được xây dựng nhiều và xây theo lối tiện nghi hơn. Nhiều khu tập thể lâu đời với nét đẹp cổ kính đã trở thành những nơi rất tình của Hà Nội.

Bước vào một khu tập thể, lúc nào cũng là cảm giác rộng rãi với khoảng sân ở giữa, đây cũng là phần không gian vui chơi của những đứa trẻ con sống quanh đó. Bầu không khí trong những khu nhà cũ này có phần yên ắng hơn nhiều so với mặt phố. Những dãy nhà chỉ 3 - 4 tầng, đủ cao để có thể đứng nhìn từ bên dưới. Các ban công trồng đầy cây cảnh với bức tường màu vàng đã cũ, thỉnh thoảng lại bị bong tróc mất một ít do thời gian, đó thực sự là một tông màu mang lại cảm giác thoải mái, gần gũi và đúng chất Hà Nội xưa.

Hơi thở của thời đại

Dù mang trong mình những nét cổ kính, bình dị, song cuộc sống Hà Nội vẫn luôn sôi động và nhộn nhịp. Thế nhưng lạ ở chỗ, cái nhộn nhịp, ồn ào của vùng đất này lại không hề đối lập với những nét tình rất riêng của nó. Hiện đại, cổ kính như hòa vào với nhau trong từng nhịp thở của thủ đô.

Năm 2008, Hà Nội mở rộng diện tích đô thị sang các vùng lân cận, trở thành thủ đô có diện tích lớn đứng thứ 17 trên toàn thế giới. Việc mở rộng diện tích đã trở thành bước chuyển mình để Hà Nội đấy mạnh phát triển. Sau hơn 1 thập kỷ, đến nay, vùng đất Thăng Long xưa đã trở thành một thành phố hội nhập và năng động. Bao quanh nó là các hoạt động văn hóa, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, Hà Nội được xem là một trong những thủ đô lâu đời ẩn chứa nhiều nét văn hóa thú vị hàng đầu thế giới. Thế nhưng cũng ít ai biết rằng Hà Nội đứng thứ 4 trong danh sách những điểm du lịch rẻ nhất trên toàn cầu, sau thành phố Budapest (Hungary), Tenerife (Tây Ban Nha) và Bangkok (Thái Lan).

Chạy dọc nhiều con phố quanh Hà Nội, từ lâu người ta đã không còn xa lạ với hình ảnh những tòa cao ốc chọc trời, những khu nhà ở cao cấp và đầy tiện nghi. Với diện tích khoảng 3.300 km2 và xấp xỉ 9 triệu dân, nhu cầu về nhà ở cũng là vấn đề cấp bách cần được giải quyết ở Hà Nội. Nói cách khác, đây đúng là tình trạng “đất chật người đông”. Những khu đất, kiến trúc cũ đã phải dỡ bỏ, nhường chỗ cho những công trình hiện đại.

Nếu như nói nét cổ kính, những nếp sống có từ lâu đời, được thế hệ đi trước gìn giữ thì sự hiện đại, năng động được những người trẻ thổi vào nhịp sống mới. Sự hòa quyện của những nét cổ điển, hiện đại giống như sự đan xen của lối sống, tư tưởng giữa những thế hệ khác nhau trong cùng thời đại.

Quách Thảo (26 tuổi) đang là chủ hai tiệm cà phê mang phong cách trang trí đặc biệt mà chính cô tự lên ý tưởng, vẽ. Là một người trẻ tuổi nhưng Thảo luôn thích thú và đam mê với những nét đẹp truyền thống, với những góc nhỏ bình dị trong cuộc sống đời thường của Hà Nội. Chính vì vậy những họa tiết trang trí, những bức tranh liên quan đến tàu hỏa, một loại hình giao thông cổ điển và lâu đời ở Việt Nam được đưa vào làm chủ đề chính của 2 quán cà phê do cô đầu tư kinh doanh.

Ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Việt Nam học tại Đại học Thăng Long, Thảo đã chuyển hướng sang kinh doanh quán cà phê, một bước ngoặt mà không phải ai cũng dám làm. Không học một lớp mỹ thuật chính thống nào nhưng những bức tranh cô vẽ vẫn thu hút thị giác một cách lạ thường. Nói về tranh của mình, Thảo cho rằng mình chẳng có kỹ thuật, cách thức gì khi thực hiện chúng, chỉ đơn giản cô tái hiện lại những gì trong đầu và quan trọng hơn, đó phải là những gì cô thật sự yêu thích.

Buổi tối ở Hà Nội

Những địa điểm vui chơi giải trí, những món ăn đường phố… thu hút hàng nghìn khách du lịch và hoạt động của các bạn trẻ. Chắc hẳn ai đến Hà Nội cũng đã thử hoặc nghe qua: phố đi bộ Hồ Gươm, phố bia Tạ Hiện, chợ đêm phố cổ… Mặc dù không được hình thành từ hàng chục hay hàng trăm năm nhưng những hoạt động đó cũng đã gắn liền với cuộc sống của người dân Hà Nội, trở thành nét đặc trưng riêng không giống với bất kỳ địa phương nào trên cả nước.

Hà Nội có lẽ đẹp nhất về đêm, người ta thường bảo nhau rằng: “Nếu một ngày bạn đến Hà Nội và chẳng thể ngủ, bạn có thể bước ra ngoài phố để nghe tiếng đêm Hà Nội thở, để thấy một Hà Nội trong dáng vẻ trầm tĩnh và xưa cũ”. Có lẽ vì ban ngày, nhịp sống của thủ đô đã quá ồn ào, vội vã. Vì thế chỉ khi thành phố cất giấc, nó mới lại quay về vẻ yên ắng của mình.

Duy Hiệu - Thạch Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ha-noi-nhu-ca-phe-trung-ky-la-va-rat-ngot-ngao-post999554.html