Hà Nội nhìn từ những chiều kích thời gian

Uông Triều là nhà văn tạo ra dấu ấn trên văn đàn Việt Nam trong khoảng gần mười năm qua. Ngòi bút của anh xông xáo, mạnh mẽ thể nghiệm mình trên nhiều thể loại, nhiều trường phái và hệ hình nghệ thuật khác nhau.

Đáng kể nhất, như nhận định của tôi, là tiểu thuyết đầu tay “Tưởng tượng và dấu vết” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam, năm 2014). Tuy không phải tác phẩm nào cũng thành công và có chất lượng nghệ thuật tương đương tiểu thuyết đầu tay, song điểm đáng ghi nhận ở Uông Triều là anh tích cực đọc, tìm tòi và thể nghiệm trong lối viết.

Nhà văn Uông Triều.

Nhà văn Uông Triều.

Trong vòng hai năm, từ 2018 đến 2020, hành trang sáng tạo của Uông Triều có những động hướng mới đáng chú ý. Ngoài việc vẫn sáng tạo trên địa hạt của văn xuôi hư cấu (truyện ngắn và tiểu thuyết), anh dần bước một chân văn xuôi phi hư cấu và lí luận phê bình “Thế giới của sáng tạo” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Tao Đàn ấn hành năm 2020. Trên địa hạt của văn xuôi phi hư cấu, hai tác phẩm gần đây của Uông Triều đã tạo ra được nhiều hiệu ứng văn hóa đọc rộng rãi, đó là “Hà Nội - dấu xưa, phố cũ”- Nhà xuất bản Văn học và Sống ấn hành năm 2020 và “Hà Nội - quán xá phố phường” - Nhà xuất bản Văn học và Sống ấn hành năm 2018.

Dễ thấy một điểm chung của cả hai tác phẩm, đó là cùng viết về một địa danh thống nhất, lấy tiêu điểm ở Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của dân tộc. Tuy nhiên, điểm nan giải mà Uông Triều đặt ra cho chúng ta, những bạn đọc chuyên môn, đó là thể loại thực sự của hai tác phẩm này.

Có thể xếp rốt ráo chúng vào tùy bút, bút ký, hồi ký, tản văn… hay không? Bất cứ sự lựa chọn khuôn khổ thể loại nào cũng tiềm chứa nhiều nguy cơ. Bởi vì, cả hai tác phẩm của Uông Triều về Hà Nội được viết dưới tư duy nguyên hợp của hậu hiện đại. Tức là, cả hai tác phẩm là sự kết nối liên văn bản của nhiều tiểu luận (48 tiểu luận trong “Hà Nội - dấu xưa, phố cũ” và 41 tiểu luận trong “Hà Nội - quán xá phố phường”). Dưới hình hài của những tiểu tự sự tưởng chừng rất tùy tiện, ngẫu hứng trong lối viết, đề tài, chủ đề… là một mạng lưới liên văn bản (intertext) nối kết chặt chẽ, ổn định và đầy dụng ý.

Nhìn chung, cả hai tác phẩm là sự tập hợp những tiểu luận được viết theo lối tiểu tự sự (petit narrative), nhằm thể hiện góc nhìn và cảm quan của cá nhân Uông Triều về Hà Nội. Lối viết có tính nguyên hợp này mang lại cho cá nhân nhà văn một lợi điểm, đó là sự tự do trong suy nghĩ và cách biểu đạt.

Anh gần như không bị gò bó vào trong bất cứ cái khuôn mẫu nào của thể loại. Nhà văn thản nhiên nghĩ gì, biết gì, đam mê vấn đề nào, tư liệu lịch sử có đến đâu, trải nghiệm cá nhân đến mức nào thì viết ra như thế ấy. Tiểu luận này có tính tản văn thì ngay lập tức tiểu luận sau đó có tính tự truyện, tiểu luận sau nữa là bút ký, chẳng sao cả, miễn là viết về Hà Nội.

Lối viết này, từ góc độ người đọc tạo ra nhiều thuận lợi. Thứ nhất, bạn đọc phổ thông sẽ rất dễ dàng đón nhận bởi khoảng cách thẩm mỹ không lớn, tầm đón đợi không đòi hỏi phải uyên bác hay chuyên nghiệp trong khi đọc. Thứ hai, loại sách này rất phù hợp với những khách du lịch, vốn ít thời gian và thường xuyên di chuyển. Họ cần những thông tin ngắn gọn, súc tích, chuyển tải đầy đủ tri thức lịch sử, văn hóa, trong một hình thức phổ thông, đơn giản, không đánh đố người đọc.

Điều loại bạn đọc này cần và chờ mong khi thông diễn loại sách này, đó là sự độc đáo trong những câu chuyện bên lề, huyền thoại, các sự kiện lịch sử độc đáo, quan trọng, gắn với các địa danh của Hà Nội. Điều này sẽ nhằm gợi ra sự hứng khởi, tò mò khám phá từ phía người đọc.

Rõ ràng lối viết có dung lượng càng ngắn gọn, tri thức càng phổ thông, câu chuyện được kể càng độc đáo, thì cơ hội bạn đọc tìm mua sẽ càng nhiều hơn. Hai quyển sách về Hà Nội của Uông Triều được tính toán kĩ cho loại bạn đọc đặc thù ấy. Chiến lược viết lúc này, không bị quy định bởi trình độ và kiến văn của tác giả, mà chủ yếu phụ thuộc vào hoàn cảnh đọc và đặc trưng của đối tượng tiếp nhận văn học.

Hai tác phẩm viết về Hà Nội của nhà văn Uông Triều.

Hà Nội trong tâm thức Uông Triều không phải là quê hương, khác với hàng loạt nhà văn, nhà văn hóa khi viết về nơi đây. Những nhà văn người Hà Nội nhìn Thủ đô từ bên trong, từ nơi chôn rau cắt rốn, như những gì thân thuộc nhất. Uông Triều nhìn Hà Nội từ bên ngoài. Anh có đủ tỉnh táo, lý tính để nhận ra những oái oăm, trái khoáy, những cái cần phê phán của Hà Nội. Trong hai công trình, chúng ta vẫn thấy nhà văn thẳng thắn phê phán về những nhược điểm này.

Ví dụ như thói quen phục vụ khách ăn lề mề, quan liêu; những con phố, đường sá ngoằn nghèo nhỏ bé như ma trận; giao thông ùn tắc; hay quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch dẫn đến nhiều khu nhà bé nhỏ, chật chội như mê cung; quá trình dồn tụ tập trung dân cư quá cao, dẫn đến chiếm lĩnh các không gian văn hóa tâm linh, đẩy đền thờ miếu mạo lên tầng hai... Nếu là người Hà Nội gốc, hay chí ít là người được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sự bất thường, trái khoáy trên sẽ trở nên bình thường “như cân đường hộp sữa”.

Hà Nội trong tạp văn của Uông Triều là Hà Nội của riêng anh, từ góc nhìn và trải nghiệm cá nhân của một chàng trai tỉnh lẻ, sống, chia ly rồi lại đoàn tụ với Hà Nội trong suốt cả cuộc đời. Anh luôn quan tâm đến những kẻ bên lề xã hội giống mình, cũng như sẵn sàng nhìn trực diện vào những giới hạn, những thói hư tật xấu của người Thủ đô ngàn năm văn vật. Tình yêu của Uông Triều với Hà Nội là điều dễ dàng nhận ra, song đó dứt khoát không phải là một tình yêu mù quáng, vô điều kiện.

Tạp văn của Uông Triều viết về Hà Nội đạt đến độ hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tính chủ quan và khách quan trong lối viết. Về tính khách quan, chúng ta dễ dàng nhận ra những nguồn tư liệu, sử liệu ngồn ngộn ở bất kì tiểu luận nào, dẫu là về lai lịch địa danh, về những sự kiện - nhân vật lịch sử gắn với địa danh đó, hay là tiểu sử của người được đặt tên cho địa danh.

Riêng về tính chủ quan, đặc trưng tạo nên sức nặng của phong cách tạp văn Uông Triều, có mấy điểm cơ bản cần chỉ ra như sau. Thứ nhất, Uông Triều sử dụng nhiều cảm xúc, kí ức, kỉ niệm cá nhân khi viết về Hà Nội. Hà Nội như vậy, không còn là một khách thể tự thân, mà nó được cấp nghĩa thông qua chủ thể trữ tình. Một Hà Nội của người ta, trở thành Hà Nội “của mình”, cho dù nhà văn không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

Suy cho cùng, điều bạn đọc cần không phải là một cẩm nang du lịch Hà Nội, hay là một quyển sử tư liệu về Hà Nội khi tìm mua và đọc hai tác phẩm của Uông Triều. Họ cần một Hà Nội khác, mới, riêng tư của nhà văn gốc Quảng Ninh. Họ cần xem anh cảm nhận Hà Nội từ góc độ riêng của mình như thế nào, điểm nào có thể sẻ chia, điểm nào có thể phủ định hay phản biện. Đó cũng là sứ mệnh của nhà văn nói riêng lẫn văn chương nói chung.

Văn chương không phải là bản sao chính xác của hiện thực, bản thân nó là một hiện thực được ảnh xạ qua góc nhìn cá nhân của nhà văn. Người ta tìm đến văn chương là để trải nghiệm cái riêng, cái hư cấu, cái suy tư, triết lý của người viết, không phải để tìm thông tin hay tìm sự thật, hiện thực. Một hiện thực hay sự thật tuyệt đối chính xác là không bao giờ tồn tại trong văn chương, cho dù văn chương luôn được khởi sinh mang mang bản chất của hiện thực.

Điểm tôi chú ý đến cách Uông Triều tiếp cận ẩm thực Hà Nội, đó là anh không quá cao siêu, vận dụng triết lý âm dương ngũ hành gì phức tạp, mà chỉ kể về trải nghiệm cá nhân đối với những món ăn rất bình dân, quen thuộc, thậm chí là rất khó viết nên thơ. Nhiều món ăn mang hồn cốt Hà Nội được Uông Triều miêu tả sự thưởng thức đạt đến độ vi tế, đầy tính chất nghệ thuật trong thưởng lãm.

Tóm lại, chỉ trong một dung lượng cực hạn, Uông Triều đã dẫn dắt chúng ta lang thang trong chiều kích của thời gian lịch sử, lẫn trong chiều kích của không gian văn hóa Hà Nội. Điều hay ở anh là sự gợi cảm hứng, thúc giục chúng ta tự khám phá một Hà Nội cho riêng mình. Hẳn thế, nên những tiểu luận thường bỏ ngỏ, với nhiều khoảng trắng trong bình luận và cả trong kết thúc, đó là khi tác giả đã chết, và sự đồng sáng tạo của người đọc bắt đầu khởi đi.

Trường An, 1h30 ngày 6-9-2020

Yến Thanh

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ha-noi-nhin-tu-nhung-chieu-kich-thoi-gian-618704/