Hà Nội: Nhiều vụ vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại bị kiểm tra, xử lý nghiêm

Chỉ tính riêng trong tháng 6, các lực lượng chức năng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể một số vụ việc điển hình.

Ngày 5/6, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội 3 PA04 (Công an Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại, địa chỉ, số12, ngõ 36 Miếu Đầm, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội và N01G Khu đô thị Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đội đã tạm giữ 17.767 sản phẩm ốp điện thoại, kính cường lực do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, trị giá hàng hóa vi phạm là gần 200 triệu đồng.

Ngày 14/6, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Phòng 7 Cục Cảnh sát Môi trường (Công an Hà Nội) kiểm tra 2 địa điểm kinh doanh: Khám kho hàng tại địa chỉ, Lô 8 Cụm công nghiệp Đan Phượng, Đan Phượng, Hà Nội. Đại diện kho hàng là bà Bùi Thị Quyết. Đội đã tạm giữ 6.905 kg nguyên liệu, phụ gia thực phẩm (đường, bột thơm, bột nở, bột ớt, dầu thơm…) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.

Qua kiểm tra tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ Lê Minh (địa chỉ, Cụm công nghiệp Thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) do bà Bùi Thị Kiều làm Giám đốc, đội đã tạm giữ 100 kg ớt bột không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, 8.240 gói bim bim thành phẩm do Công ty sản xuất.

Công ty có các dấu hiệu vi phạm: Sản xuất thực phẩm sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Sản xuất thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm. Lực lượng chức năng đã lấy 7 mẫu bimbim (Snack) để kiểm nghiệm chất lượng theo quy định.

Ngày 16/6, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Đội Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng thành viên Tổ công tác Thương mại điện tử tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ (số 3, xóm 3, Đại Định, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) phát hiện và tạm giữ 10.987 sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu là hàng lậu và giả mạo nhãn hiệu GUCCI và SENSODYNE đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thúy Phương

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ha-noi-nhieu-vu-vi-pham-ve-hang-lau-gian-lan-thuong-mai-bi-kiem-tra-xu-ly-nghiem-73037.htm