Hà Nội: Nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại nhiều cửa hàng vẫn 'chưa rõ ràng'

Các đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô, cơ quan chức năng vẫn phát hiện quán ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Với số lượng lớn, thường xuyên biến động nên việc quản lý dịch vụ này gặp nhiều khó khăn. Qua các đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, vẫn phát hiện quán ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa hàng thức ăn đường phố trên địa bàn huyện Gia Lâm ngày 1/11/2018. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Trước đòi hỏi của thực tiễn, từ năm 2013, thành phố Hà Nội đã áp dụng mô hình thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố Trung Liệt (quận Đống Đa) và tuyến phố Núi Trúc (quận Ba Đình). Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng tại 30 tuyến phố văn minh thương mại và 198 phường, thị trấn, tiến tới thực hiện trên toàn địa bàn. Đến hết năm 2018, Hà Nội sẽ có thêm 8 tuyến phố thí điểm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 8 quận, huyện.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ngoài việc đáp ứng 10 tiêu chí an toàn thực phẩm về điều kiện cơ sở vật chất, các cơ sở kinh doanh còn phải niêm yết công khai biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát an toàn thực phẩm”, phải có bảng ghi công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm để người tiêu dùng biết. Việc này nhằm đưa việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố vào khuôn khổ.

Mặc dù vậy, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra, một số hộ kinh doanh do phải thuê địa điểm nên việc đầu tư trang thiết bị, dụng cụ chưa phù hợp. Tại một số cơ sở, dù tham gia mô hình thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát nhưng nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa rõ ràng. Đa số các cơ sở chưa niêm yết giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm; chưa có biển hiệu phân khu riêng biệt giữa thực phẩm chín và sống.

Từ ngày 20/10/2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực đã tạo chuyển biến cho các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Thay đổi rõ nhất là trước đây các hộ kinh doanh ăn uống thường dùng tay trần bốc thức ăn chín cho khách hàng thì hiện nay đã dùng găng tay tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín để đảm bảo an toàn. Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đã bỏ mức phạt cảnh cáo và tăng mức phạt tiền từ 500.000 đồng lên tới 1 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín. Việc tăng mức phạt cùng với sự kiểm tra, giám sát của đơn vị chức năng giúp những người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chấp hành các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm túc hơn.

Bà Nguyễn Thị Lợi, Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm cho biết, trong quá trình kiểm tra, giám sát vẫn thấy hình ảnh tay trần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý và xử phạt chứ không nhắc nhở, cảnh cáo như trước.

Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm lấy mẫu thực phẩm để kiểm ngiệm. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Chiều 29/11, dạo một vòng qua các phố Cầu Gỗ, Gia Ngư, Đinh Tiên Hoàng, Trần Xuân Soạn, cho thấy hầu hết những người bán thực phẩm, thức ăn đường phố đã đi găng tay để lấy thức ăn cho khách. Tuy nhiên, tại các quầy bán thịt, cá kho sẵn, mắm tép chưng thịt, gà, lợn quay trông rất hấp dẫn, bắt mắt, nhưng thực phẩm đều bày bán sát mặt đường, không được che đậy.

Để việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đi vào nền nếp, theo ông Trần Ngọc Tụ, cùng với xử phạt, yếu tố quan trọng là người tiêu dùng hãy đồng hành với người quản lý. Nếu phát hiện cơ sở sai, cần phản ánh theo đường dây nóng để người quản lý xử lý kịp thời. Nếu quan sát thấy cơ sở dịch vụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không công khai biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát an toàn thực phẩm”, không công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, khách hàng cũng không nên lựa chọn.

Để thực phẩm “bẩn” không còn "đất sống", cùng với việc kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó các địa phương cần chủ động giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, duy trì hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm tới xã, phường, thị trấn. Việc thanh tra, kiểm tra tại các địa phương cũng cần được thực hiện nghiêm và bình đẳng, không có khoảng trống. Quan trọng nhất là người kinh doanh cần hình thành thói quen mình vì mọi người, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuyết Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/ha-noi-nguon-goc-nguyen-lieu-thuc-pham-tai-nhieu-cua-hang-van-chua-ro-rang-20181202073902671.htm