Hà Nội: Người dân 'vô tư' lấn chiếm đất công, chính quyền xã Tiến Thắng 'vô tâm' trước việc quản lý?

Tình trạng người dân lấn chiếm diện tích ao, hồ đã diễn ra từ nhiều năm qua. Song, việc xử lý lại không được lãnh đạo xã Tiến Thắng (Mê Linh, Hà Nội) ngó ngàng gì tới...

Trưởng thôn Thái Lai cho thuê đất trái thẩm quyền

Nhằm phục vụ cho việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng (TTXD) của địa phương được tốt, ngày 16/01/2017 ông Đỗ Đăng Sửu, Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) đã ký ban hành quy chế phối hợp quản lý đất đai, trật tự xây dựng kèm theo quyết định số 14/QĐ-UBND.

Tại điều 3 của quy chế thể hiện trách nhiệm, nhiệm vụ và phương thức phối hợp giữa các tổ chức trong quản lý đất đai, TTXD trên địa bàn.

Quy chế phối hợp và trách nhiệm của cán bộ địa chính xã Tiến Thắng trong vấn đề quản lý đất đai...

Theo đó, trách nhiệm của Trưởng thôn là giúp UBND xã thực hiện việc quản lý đất đai, TTXD đối với đất phi nông nghiệp trên địa bàn như: đất trong khu dân cư, đất trụ sở các tổ chức, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất chợ, đất sân vận động, đất giao thông, đất nghĩa trang, đất ao hồ trong khu dân cư…

Đồng thời, tham gia phối hợp giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm quản lý sử dụng đất, vi phạm TTXD trên địa bàn theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm với những vi phạm đối với đất phi nông nghiệp được giao quản lý.

Mặc dù, quy chế phối hợp để quản lý đất đai, TTXD thể hiện là thế nhưng hiện nay, theo thông tin người dân phản ánh thì tại khu vực ao cổng Ớn thuộc thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng một số hộ dân sống liền kề đã đổ đất lấn chiếm, thậm chí còn cho xây dựng hẳn ngôi nhà bằng tôn với diện tích hàng chục mét vuông để phục vụ cho mục đích kinh doanh của gia đình nhưng việc báo cáo cấp trên để xử lý lại không được vị Trưởng thôn này thực hiện đầy đủ và nghiêm túc.

Trao đổi với phóng viên về tình trạng ao cổng Ớn bị lấn chiếm, một người dân sống gần đó nói: “Trước cái ao này rộng chứ. Mỗi người lấn một ít thì nó thế thôi. Trong nhà nó lấn ra, đằng kia lấn lại, bây giờ cứ có bản đồ cũ là rõ thôi”.

Theo người dân cho biết, trước kia diện tích ao cổng Ớn rất rộng nhưng hiện nay do các hộ liền kề mỗi lúc lấn một ít nên hiện giờ còn rất nhỏ.

Ngoài việc, không báo cáo tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình thuộc diện tích ao cổng Ớn thôn Thái Lai do xã quản lý ra, người dân còn phản ánh thêm thông tin rằng đầu năm 2018, ông Lê Anh Tâm – Trưởng thôn Thái Lai còn ký một hợp đồng khoán ao thả cá cho ông Nguyễn Văn Thắng (người cùng thôn) với thời gian hợp đồng là 03 năm (từ 11/02/2018 đến 10/03/2021) và tổng giá trị là 03 triệu đồng mà không thông qua UBND xã. Điều này là vi phạm nghiêm trọng luật đất đai năm 2013.

Cụ thể, điều 59, Luật đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì UBND cấp xã mới được phép cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.

“Từ khóa trước đã cho người ta làm rồi, sau khi hết hạn người ta vẫn có nhu cầu thì cứ để cho làm thôi. Tập thể chưa lấy ra làm gì thì tận dụng chỗ đấy thôi. Chúng tôi, giao cho anh Thắng cái ao này và thu 1 triệu/năm nhưng khi tập thể lấy làm gì là phải trả. Tôi cũng là tiếp quản của người trước thôi”, ông Tâm phân trần về việc cho thuê khoán ao để thả cá ở cổng Ớn.

Hợp đồng cho thuê khoán ao để nuôi cá giữa ông Lê Anh Tâm - Trưởng thôn Thái Lai với hộ anh Nguyễn Văn Thắng mà xã không hề hay biết.

Lãnh đạo xã Tiến Thắng bị “qua mặt” mà không biết

Trước những phản ánh của người dân về tình trạng lấn chiếm tại ao cổng Ớn, ngày 09/04/2019, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Đỗ Đăng Sửu – Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Văn Trường – Phó Chủ tịch xã Tiến Thắng về vấn đề này.

Tại buổi làm việc, khi được hỏi về tình hình xử lý như thế nào đối với những trường hợp lấn chiếm tại ao cổng Ớn, thôn Thái Lai? Ông Sửu quả quyết nói: “Làm gì có chuyện lấn gần hết diện tích ao. Tôi chỉ nhớ năm trước có một hộ gia đình gần đó lấn chiếm xong đã yêu cầu ngừng và tháo dỡ công trình vi phạm rồi”.

Trái ngườc với sự quả quyết của Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Trường – Phó Chủ tịch thừa nhận có việc lấn chiếm ở đây nhưng do không có kiện cáo nên xã không quan tâm đến nữa.

“Cái ao này không nhầm thì là có một phần đất nhà ông Mịch và có tình trạng lấn chiếm nhưng chắc từ những năm 90 trở về trước, sau này không có đơn từ kiện cáo, mắc mớ gì nên xã không quan tâm", ông Trường nói.

Phần diện tích đất mà ông Phức Mịch giáp ranh với ao cổng Ớn nhưng không được phân định mốc giới mà ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch xã Tiến Thắng thừa nhận hộ này có lấn chiếm.

Ngôi nhà mới được xây dựng ngay trên diện tích ao cổng Ớn nhưng không được Trưởng thôn báo cáo lên xã để xử lý.

Tiếp tục đặt câu hỏi với hai lãnh đạo chính quyền của xã Tiến Thắng về việc hiện nay đối với ao cổng Ớn thì ai đang là quản lý toàn bộ diện tích này? Người đứng đầu chính quyền xã là ông Sửu cho biết việc này phải để ông hỏi địa chính mới trả lời cụ thể được.

Trong lúc chờ câu trả lời từ phía địa chính xã, phóng viên đã cung cấp thông tin về việc hiện nay, ao cổng Ớn đang “bị” Trưởng thôn Thái Lai cho một hộ cá nhân thuê khoán để nuôi cá với thời hạn hợp đồng là 03 năm thì Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã vội vàng khẳng định là không có. Lý do, được đưa ra ở đây là nhiều ao to trong làng còn bị bỏ hoang huống chi là ao cổng Ớn.

Sau khi, tiếp nhận thông tin trên, ông Đỗ Đăng Sửu đã trực tiếp liên hệ luôn với Trưởng thôn Thái Lai để xác minh nhưng rồi câu trả lời nhận được lại hoàn toàn trái ngược với những gì hai vị này đã khẳng định trước đó.

Qua cuộc trao đổi, lãnh đạo thôn Thái Lai cho biết đúng là có việc hiện nay ao cổng Ớn đang được cho thuê khoán nhưng do tồn tại từ trước nên bây giờ tiếp tục để cho cá nhân người trước đó làm tiếp.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, đối với diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích thì việc quản lý hoàn toàn do UBND xã Tiến Thắng đứng tên. Tuy nhiên, đối với trường hợp người dân phản ánh tại ao cổng Ớn và thông qua sự việc mà lãnh đạo thôn Thái Lai đã làm, chúng ta có thể khẳng định. Toàn bộ, hệ thống chính quyền xã Tiến Thắng đã rất “vô tâm” trước việc quản lý đất công của địa phương.

Đồng thời, điều này cũng cho thấy rất rõ sự yếu kém trong công tác chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao của người đứng đầu chính quyền xã. Vì thế, đề nghị UBND huyện Mê Linh khẩn trương vào cuộc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đối với ao cổng Ớn nói riêng và toàn bộ diện tích đất công trên địa bàn xã Tiến Thắng nói chung để đưa ra được phương án quản lý tốt, tránh để tình trạng lấn chiếm ngày một gia tăng làm ảnh hưởng đến quỹ đất của địa phương này.

Báo điện tử Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính Phủ

Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:

Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Điều 31. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/ha-noi-nguoi-dan-vo-tu-lan-chiem-dat-cong-chinh-quyen-xa-tien-thang-vo-tam-truoc-viec-quan-ly-d142620.html