Hà Nội: Người chết không hỏa táng, địa phương không chia buồn?

Người dân đặt ra câu hỏi, có quy định nào trong pháp luật quy định việc đặt cọc tiền mới được mượn xe tang?

Một số hộ dân ở xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) phản ánh, do không hỏa táng theo yêu cầu của UBND xã nên từ lãnh đạo thôn đến xã không đến viếng người quá cố. Không những thế, người mất sẽ không được đọc trên loa phát thanh, còn muốn mượn xe tang phải đặt cọc 2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hợi – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nỗ.

Xã, thôn không sai!

Theo đơn phản ánh, ông Hoàng Kim Châm (ở thôn Đông, xã Kim Nỗ) bức xúc, bố ông qua đời hôm 30/10/2018. Di nguyện của bố ông là sau khi mất sẽ địa táng. Việc bố mất, ông Châm đã báo lên thôn và UBNDxã từ rất sớm nhưng không có ai đại diện đến chia buồn hay hỏi han.

Sáng ngày 31/10/2018,đại diện gia đình ông Châm đến UBND xã báo tử, đồng thời hỏi mượn xe tang. Tại đây, họ chỉ gặp được ông Hoàng Ngọc Vui (trưởng công an xã). Ông này cho biết, theo nghị quyết đại biểu của thôn, nếu gia đình đưa cụ đi hỏa táng thì sẽ có thông báo báo tử trên loa đài của thôn; có UBMTTQ đến gia đình chia buồn và điều hành việc tang lễ; không phải đặt cọc số tiền mượn xe tang 2 triệu đồng.

Ngược lại, nếu gia đình địa táng thì chính quyền thôn, xã sẽ không làm gì và muốn mượn xe tang phải đặt cọc số tiền 2 triệu đồng. Số tiền này phải vài năm sau, sau khisang cát xong xuôi cho người mất, gia đình mời chính quyền thôn xã xuống xác nhận, nếu không có vấn đề gì thì mới nhận lại được tiền. “Đây là Nghị quyết của thôn, hợp với lòng dân, đã được UBND xã Kim Nỗ thông qua”.

Cùng ngày hôm đó, khi còn khoảng 2 tiếng nữa là khâm liệm, đại diện gia đình đến nhà trưởng thôn và bí thư thôn Đông nhưng không gặp được hai ông này. Sau đó, gia đình điện thoại cho phó thôn Đông và đến hỏi mượn xe tang, tại đây thì gặp ông Hành trưởng thôn.

Vị trưởng thôn khẳng định: Theo Nghị quyết 154 của xã, thôn không làm sai, sai thì lên UBND xã. Ông trưởng thôn cũng khẳng định: Nếu gia đình tiến hành địa táng sẽ không được những điều sau: không có thông báo báo tử trên loa phát thanh của thôn; không có UBMTTQ đến gia đình chia buồn và điều hành tang lễ hay bất kỳ một cơ quan đoàn thể nào của thôn, xã đến thăm hỏi.

Trong lúc bối rối và sắp đến giờ tang, gia đình ông Châm đã đặt cọc 2 triệu đồng để mượn xe tang. Việc đặt cọc này có giấy tờ chứng nhận giữa thôn và người mượn xe.

Ông Nguyễn Đức Hoàng cầm “huy hiệu 50 năm tuổi Đảng” của bố ông.

Có “ép” người dân phải hỏa táng?

Cùng bức xúc như gia đình ông Châm, ông Nguyễn Đức Hoàng (xóm 2 Bắc, xã Kim Nỗ) không nén được nỗi đau khi kể lại sự việc. Ông Hoàng cho biết, bố ông là Nguyễn Đức Cận, theo di nguyện, bố ông muốn địa táng sau khi chết.

Tương tự gia đình ông Châm, do không thực hiện hỏa táng, nên chính quyền thôn, xã không ai đến chia buồn hay thắp nén hương cho người đã có 50 năm tuổi Đảng. Ông Hoàng bức xúc: “Ngày ông mất, chính quyền, Đảng ủy xã không đến chia buồn, không thắp cho bố tôi một nén nhang, mặc dù ông là Đảng viên và từng tham gia từ chiến dịch Điện Biên Phủ và cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thử hỏi các cấp chính quyền xã Kim Nỗ đối xử với đồng chí của mình như thế có hợp lòng dân và người đã khuất hay không?”. Không chỉ gia đình ông Châm, ông Hoàng rơi vào tình trạng trên mà gia đình ông Phạm Văn Đoàn (thông Đông, xã Kim Nỗ) cũng gặp phải cảnh không có đại diện thôn xã đến viếng mẹ mình, với lý do là không hỏa táng.

Khi đại diện gia đình ông Đoàn hỏi tại sao không có ai ở thôn xã đến chia buồn thì được trả lời: “Nếu đi hỏa táng thì được thông báo tin buồn trên loa phát thanh... còn địa táng, thì gia đình tự lo”.

Trước phản ánh của người dân, chúng tôi đã liên hệ làm việc với UBND xã Kim Nỗ, UBND huyện Đông Anh, tuy nhiên, cả hai đơn vị này đều chỉ cung cấp nội dung Văn bản của UBND xã Kim Nỗ số 162/UBND-VH ngày 3/12/2018 “về việc trả lời báo chí về vận động thực hiện hỏa táng”.

Văn bản trả lời như sau: Thực hiện việc tang văn minh là một trong những nội dung đượcĐảng chính quyền địa phương quan tâm tuyên truyền thực hiện nghiêm túc theo nghị quyết của HĐND huyện Đông Anh từ năm 2008 đến nay với 4 nội dung: Xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đám tang; không làm cỗ mời khách trong đám tang; khuyến khích hỏa táng khi có người qua đời; quản lý nghĩa trang đảm bảo vệ sinh môi trường.

UBNDxã không ban hành văn bản nào yêu cầu người dân trên địa bàn có người qua đời phải thực hiện hỏa táng. Việc tổ chức tang lễ tại các thôn làng, do thôn, xóm, dòng họ và gia đình phối hợp với các lãnh đạo thôn để mượn đồ tống chung và thực hiện các nghi thức tổ chức tang lễt heo phong tục tập quán và nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân bàn xây dựng đời sống văn hóa ở thôn và khu dân cư hàng năm.

Việc hộ dân có người qua đời không thực hiện hỏa táng (đi địa táng) đặt cọc một khoản tiền nhất định tại thôn để cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu nghĩa trang phải thật sự sạch sẽ; khi cải táng gia đình thực hiện nghiêm túc việc thu dọn quần áo, giầy dép, đồ dùng chôn cất theo người chết, áo quan, lấp hoàn trả mặt bằng hố chôn và đảm bảo vệ sinh môi trường, thôn sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền đặt cọc.

Văn bản cũng cho rằng, đây là một trong những nội dung được nhân dân bàn và trực tiếp thực hiện dân chủ ở cơ sở; UBNDxã không ban hành quy chế về thực hiện việc tang cũng như tự đặt ra các khoản thu nào khác trái quy định.

PV đã liên hệ đến những người phản ánh,thì những người này cho biết, việc đặt cọc 2 triệu đồng mới có được khoảng hơn 1 năm nay, trước đây không có việc như vậy. Hơn nữa, xe tang lễ là do nhân dân trong thôn đóng góp.

Người dân đặt ra câu hỏi, có quy định nào trong pháp luật quy định việc đặt cọc tiền mới được mượn xe tang? Số tiền này do ai quản lý? Cơ quan nào kiểm tra? Người dân cho rằng, UBND xã Kim Nỗ đang “ép” người mất phải hỏa táng chứ không có chuyện tuyên truyền, khuyến khích?

Vũ Đoàn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ha-noi-nguoi-chet-khong-hoa-tang-dia-phuong-khong-chia-buon-d89027.html