Hà Nội nghiên cứu đường riêng xe buýt: Tránh hệ lụy BRT

Làn đường riêng cho xe buýt là điều nên làm nhưng nhìn từ tuyến buýt nhanh BRT và một số tuyến đường đã có trước đây thì cần thay đổi.

Trong văn bản Sở GTVT Hà Nội gửi trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng về hàng loạt giải pháp phát triển giao thông, đơn vị này thừa nhận Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện nghiên cứu, tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội còn rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Ngày 7/2/2020, trao đổi với Đất Việt về việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT cho rằng, việc có làn đường riêng cho xe buýt là điều tốt, cần phải thực hiện ngày. Nhưng cần phải lưu ý việc làm làn đường riêng cho xe buýt phải không làm cản trở đến dòng giao thông khác.

Việc làm làn đường riêng cho xe buýt là điều tốt nhưng cần cân nhắc nhiều vấn đề.

Việc làm làn đường riêng cho xe buýt là điều tốt nhưng cần cân nhắc nhiều vấn đề.

Theo vị chuyên gia, việc làm làn đường riêng cho xe buýt ở TP. Hà Nội không mới. Trước đây, tuyến đường của Hà Nội là Nguyễn Trãi, Yên Phụ đã thực hiện điều này nhưng lại phá đi để phục vụ cho việc phát triển giao thông.

Bên cạnh đó, hiện dự án buýt BRT cũng có làn đường riêng nhưng lại không đem nhiều hiệu quả khi mà thường xuyên bị người tham giao giao thông xâm lấn. Khiến dự án buýt nhanh trong giờ cao điểm cũng "chậm như ai".

"Một trong những nguyên nhân thất bại của BRT là cản trở đến dòng giao thông khác. Không có sự tách biệt rõ ràng giữa đường riêng cho xe buýt và đường bình thường" - vị chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải nhận định, tuyến đường này vốn đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc, nếu dành riêng một làn cho xe buýt thường thì lòng đường bị thu hẹp khiến tình trạng ùn tắc diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

"Hiện nay, trong khi phương tiện tham gia giao thông dày đặc, hạ tầng yếu kém thì chưa thực hiện được đề xuất này. Đây là đề xuất chưa hợp lý, không phù hợp thực tiễn hiện tại" - ông Thủy nói.

Ông Thủy phân tích, các tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến thường xuyên ùn tắc, còn xe buýt thì chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. "Như vậy đa số người dân đang sử dụng phương tiện cá nhân, đường chật hẹp mà lại phân làn cho xe buýt là không hợp lý", ông nói.

Hà Nội từng đặt chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020 đạt 20-25% nhưng đến nay khó đạt được, người dân chưa mặn mà với xe buýt vì đợi xe lâu, đi chậm.

"Tôi nghĩ ít nhất phải 5-10 năm nữa mới cần xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt", ông Thủy nói và khuyến cáo Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng, tránh việc làm xong không phù hợp phải phá dỡ gây lãng phí.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, khi Hà Nội tách làn đường riêng cho xe buýt thì phải thực hiện nghiêm quy định phân làn, tránh tình trạng các phương tiện khác thường xuyên lấn làn, đi vào đường dành riêng cho xe buýt nhanh như hiện nay tại tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Liên cho rằng, cơ sở hạ tầng của Hà Nội còn hạn chế và lòng đường đang có nhiều phương tiện đi chung. Việc tách riêng một làn đường cho xe buýt thường sẽ khó điều hành giao thông.

"Năm 2030 hạn chế phương tiện xe máy vào nội đô thì đường có thể thoáng hơn. Sớm khắc phục những tồn tại hiện nay và có giải pháp cụ thể, căn cơ thì mới triển khai được việc dành riêng một làn cho xe buýt thường" - ông Liên đề nghị.

Khánh Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-nghien-cuu-duong-rieng-xe-buyt-tranh-he-luy-brt-3396526/