Hà Nội: Nâng hạng chỉ số PCI

Hà Nội lần đầu tiên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, tăng 4 bậc so với năm 2017. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa TP Hà Nội - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả mà Hà Nội đạt được trong bảng xếp hạng PCI vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố?

Đây là kết quả đánh giá đúng quyết tâm và nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị TP. Hà Nội, đặc biệt từ các lãnh đạo cấp cao. Đó là sự vào cuộc, nỗ lực liên kết hợp tác giữa các lãnh đạo thành phố và các cộng đồng DN.

Doanh nghiệp Hà Nội được tạo điều kiện thuận lợi sản xuất, kinh doanh

Doanh nghiệp Hà Nội được tạo điều kiện thuận lợi sản xuất, kinh doanh

Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Để cụ thể hóa Nghị quyết này, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch hỗ trợ cộng đồng DN, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN, môi trường kinh doanh của Hà Nội được minh bạch.

Quan trọng nhất, đó là sự tương tác giữa cộng đồng DN với lãnh đạo thành phố được gắn chặt. Bất kể sự kiện gì gây cản trở đến DN, các tổ chức, lãnh đạo thành phố đều xử lý kịp thời, quyết liệt và triệt để. Do đó, lấy lại được lòng tin của cộng đồng DN.

Cạnh đó, Hà Nội đã chủ động cung cấp thông tin các dự án để kêu gọi nhà đầu tư. Hết năm 2018, Hà Nội dẫn đầu trong việc thu hút các DN FDI với số vốn trên 6 tỷ USD.

Theo PCI được công bố, chi phí không chính thức của DN đã giảm. Ông nhận định như thế nào về điều này?

Theo tôi, chi phí không chính thức đã giảm, tuy nhiên, đây không phải là chi phí mà chúng ta đang định tính được. Vấn đề quan trọng nhất đó là tiết kiệm thời gian và chi phí của DN giảm.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Hà Nội đang định hướng thực hiện Chính phủ điện tử tầm nhìn đến năm 2020. Do vậy, các thủ tục đã được giải quyết thông qua trực tuyến, nâng từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Việc này sẽ giúp DN bớt phát sinh các chi phí không chính thức. Hệ thống điện tử của TP. Hà Nội cũng giúp cho việc truyền tải các thông tin về thủ tục hành chính được cập nhật minh bạch đến cộng đồng người dân, DN.

Về thủ tục thành lập DN, mặc dù các địa phương, trong đó có Hà Nội, đã cố gắng nhiều nhưng theo điều tra của VCCI, thời gian thành lập DN vẫn kéo dài tới 1 tháng. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Đối với Hà Nội, các thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục cấp giấy phép kinh doanh mới cho DN khởi nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trở thành các công ty cổ phần, công ty TNHH rất nhanh chóng. Trước đây, thủ tục thực hiện chỉ trong vòng 21 ngày nhưng gần 3 năm nay đã giảm từ 7 - 14 ngày và hiện nay chỉ còn 1 - 3 ngày.

Trường hợp DN đăng ký thành lập thủ tục kéo dài khoảng 1 tháng là cá biệt, với DN kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ yêu cầu khá chặt chẽ về hồ sơ. Với những loại hình DN này, sẽ mất thời gian và chi phí.

Dư địa cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của Hà Nội vẫn còn nhiều. Theo ông, DN kỳ vọng gì, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay?

Quan trọng nhất vẫn là sự đối xử công bằng giữa DN nhà nước và DN tư nhân, DN lớn với DN nhỏ và vừa về thông tin, hỗ trợ và các loại chi phí. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chính phủ điện tử. Càng đẩy mạnh thực hiện sẽ tránh được sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức nhà nước với các cá nhân, tổ chức, DN, chi phí không chính thức sẽ giảm đi.

Xin cảm ơn ông!

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của thành phố năm 2019, định hướng đến năm 2021. Theo đó, phấn đấu chỉ số PCI năm 2019 đạt điểm số và xếp hạng tăng so với năm 2018.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-nang-hang-chi-so-pci-117897.html