Hà Nội nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi nông nghiệp

    Nhờ đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết theo chuỗi, thành phố Hà Nội hiện có 145 chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững.

    Nhiều mô hình liên kết chuỗi

    Theo Chi cục Phát triển nông thôn thành phố, đến nay, Hà Nội có 145 chuỗi đang hoạt động, trong đó có 52 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Về hình thức, có 14 chuỗi liên kết từ cung cứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 46 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 2 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 54 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 21 chuỗi liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

    Sản phẩm tham gia chuỗi liên kết của thành phố Hà Nội

    Sản phẩm tham gia chuỗi liên kết của thành phố Hà Nội

    Có thể kể đến một số mô hình điển hình theo hình thức “chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” như: chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Oganic Green; chuỗi rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân…

    Sửa đổi, bổ sung nội dung còn thiếu, chưa phù hợp

    Dẫu vậy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cũng cho biết: mặc dù rất tích cực trong chỉ đạo điều hành và đã tiếp nhận một số dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ, song đến nay, thành phố chưa hỗ trợ được dự án liên kết/kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết nhỏ lẻ, chủ yếu là liên kết theo hình thức “thuận mua - vừa bán” giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ sản phẩm.

    Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng: do chính sách ban hành chưa đồng bộ, các quy định không đồng nhất dẫn đến việc triển khai hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5.12.2018 của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ban hành, nhưng chưa quy định cụ thể định mức chi, phương thức thực hiện hỗ trợ đối với các dự án/kế hoạch liên kết, mà vẫn quy định chung chung theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP nên rất khó thực hiện...

    Từ thực tiễn tham gia chuỗi liên kết thời gian qua,Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Minh cho rằng: việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước về sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ số còn bất cập nên hợp tác xã và nông dân chưa tiếp cận, hưởng lợi từ các chính sách đó của Nhà nước.

    Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Văn Đức kiến nghị: cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh những bất cập trong chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết tham gia sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã và nông dân. Nhà nước cũng cần có chính sách giao đất, cho thuê theo giá quy định, không phải đấu thầu để các hợp tác xã đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.

    Cùng quan điểm, Chủ tịch chuỗi TPS Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho rằng: UBND thành phố cần có cơ chế, chính sách thiết thực trong kết nối chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm đối với thực phẩm theo hướng hữu cơ. Các sở, ban ngành liên quan hỗ trợ sát sao trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các kênh tiêu thụ; tổ chức, phối hợp liên kết với Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green xây dựng điểm bán hàng thực phẩm theo hướng hữu cơ tại các quận, huyện...

    Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông thôn và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: để đẩy mạnh các chuỗi liên kết, Sở Nông thôn và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Từ đó, đề xuất Trung ương và HĐND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung nội dung còn thiếu, chưa phù hợp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp trong phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển chuỗi giá trị là đầu mối tiếp nhận ứng dụng kỹ thuật mới và chuyển giao cho các xã viên. Làm tốt công tác dự báo thị trường tiêu thụ, yêu cầu chất lượng mẫu mã bao bì sản phẩm, làm cơ sở cho đơn vị chuyển giao và người sản xuất áp dụng với công nghệ phù hợp, giá thành hợp lý nhất.

    Khánh Duy

    Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/ha-noi-nang-cao-hieu-qua-lien-ket-chuoi-nong-nghiep-i312636/