Hà Nội muốn phẫu thuật đê sông Hồng lấy đất: Làm ngược

Các chuyên gia khẳng định nên giữ nguyên đê sông Hồng hiện tại vì làm đê mới quá tốn kém và rủi ro.

Bình luận về ý tưởng chuyển đê ra sát sông Hồng của Hà Nội, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), bây giờ người ta tìm cách mở rộng không gian chảy của dòng sông nhiều hơn là thu hẹp lại. Trên thế giới cũng vậy, bao giờ người ta cũng mở rộng không gian chảy cho dòng sông vì thiên tai, thời tiết ngày càng bất thường, có những trận lũ rất lớn mà thu hẹp như vậy thì rất nguy hiểm cho vùng hạ lưu.

"Một khi dòng sông bị bóp lại thì về mùa lũ, vùng hạ lưu sẽ bị xói hoặc chịu không nổi sẽ vỡ đê", TS Lê Anh Tuấn cảnh báo.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, trong trường hợp chuyển đê ra sát bờ sông, Hà Nội được cái nọ sẽ mất cái kia, có thêm được chút đất sử dụng nhưng đổi lại, dòng chảy phải gánh rất nhiều rủi ro. Bởi thế, Hà Nội nên từ bỏ ý tưởng này.

Chuyển đê ra sát bờ sông Hồng sẽ rất rủi ro, nhất là về mùa lũ.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của một chuyên gia giao thông, PGS.TS Bùi Xuân Cậy, Đại học GTVT Hà Nội đề xuất một cách làm vừa khai thác được đất vừa đảm bảo an toản.

Phân tích cụ thể hơn, ông cho rằng, không nên để bờ sông như hiện nay, vừa lem nhem vừa không tận dụng được đất. Tuy nhiên, như các chuyên gia thủy lợi phân tích, đê sông Hồng đã được ông cha xây dựng hàng nghìn năm nay, mặt cắt của đê tương đối rộng, khả năng đảm bảo an toan tương đối lớn nên phải giữ nguyên.

"Việc bỏ đê cũ, đắp đê mới là cực kỳ vô lý, tốn kém và rất rủi ro. Đê hiện tại đã được Nhật Bản cho vay tiền để làm bê tông, kiên cố hóa nên phải giữ nguyên.

Chỉ nên kè sát mái sông, từ mặt nước lên cao độ bãi hiện nay chỉ vài ba mét nên rất dễ.

Sau đó hai bên làm hai con đường rộng chừng 50-60m, chạy dọc sông, ví dụ từ Thượng Cát đến Vĩnh Tuy hay Thanh Trì để tận dụng đất, đồng thời phát triển giao thông ở bên ngoài. Về cao độ thì cần giữ nguyên, bằng cao độ bãi hiện nay.

Những năm gần đây Hà Nội không mấy khi có lũ, do đó có thể khai thác bình thường, còn phía trong, từ đường đó đến đê có thể cho xây dựng với mật độ thấp, chủ yếu là các công trình công cộng, giải trí như công viên cây xanh hay khu dân cư có đường song song dọc theo hướng nước chảy. Đến khi có lũ, lũ sẽ tràn qua mặt đường, chạy dọc theo sông", PGS.TS Bùi Xuân Cậy đề xuất.

Cùng với việc giữ nguyên đê hiện tại, vị chuyên gia giao thông cho rằng có thể bổ sung thêm một số cửa từ đê ra bãi, đến khi có lũ thì đóng lại.

"Ở Đức, nhiều con sông như sông Elbe vẫn làm đường thấp ở bên ngoài. Về mùa lũ, nước sẽ chảy trên đường ấy, không cản trở dòng chảy. Hay ở Viên Chăn, người ta cũng kè sát đê, rồi vẫn làm quán xá. Nhưng ở Việt Nam, để an toàn thì cứ làm đường rộng 50-60m, nếu có lũ vượt qua báo động số 1 thì nước chảy dọc đường", ông nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-muon-phau-thuat-de-song-hong-lay-dat-lam-nguoc-3346598/