Hà Nội: Một ngôi chùa xây dựng, cải tạo quy mô lớn không phép

Đó là chùa Long Hưng thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh- Hà Nội đang được gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng trên diện tích đất rộng khoảng 2ha. Theo phản ánh của người dân, ngày 15.3, PV Văn Hóa đã có mặt tại thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc để tìm hiểu về sự việc. Qua tìm hiểu, xác minh bước đầu tại địa phương, ngôi chùa này không có giấy phép xây dựng.

Thời gian gần đây, theo phản ánh của nhiều người dân và một số phương tiện thông tin đại chúng, chùa Long Hưng tại thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh được xây dựng rất lớn với các hạng mục công trình khác nhau. Điều đáng nói là ngôi chùa được xây dựng trên một diện tích đất khá rộng mà theo người dân, có khoảng hớn 1ha được trung dụng để xây dựng chùa nhưng toàn bộ công trình xây dựng chùa không có giấy phép. Mặc dù chùa được khởi công xây dựng từ lâu nhưng các cơ quan chức năng của xã Vĩnh Ngọc và huyện Đông Anh không hề xử lý.

Các hạng mục của chùa Long Hưng đang được hoàn thiện (ảnh chụp ngày 15.3)

Tại buổi tiếp P.V Văn Hóa, ông Nguyễn Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết, chùa Long Hưng vốn là ngôi chùa nhỏ đã tồn tại từ rất lâu, chùa nằm trong thửa đất có diện tích khoảng 8.000 m2. Ngay phía sau chùa là nghĩa địa của thôn Phương Trạch cũng đã tồn tại qua nhiều đời. Những năm gần đây, khi chùa nhận được tiền công đức của khách thập phương và một số doanh nghiệp thì việc xây dựng, cải tạo chủa được tiến hành. “Khi khách thập phương công đức xây chùa thì việc xây dựng lại chùa được tiến hành từ vài năm trước đến nay. Chúng tôi cũng có hướng dẫn nhưng những người quản lý chùa nói vừa xây dựng vừa xin phép (!?). Chúng tôi đã hướng dẫn nhà chùa sang Sở VHTT thành phố để làm các thủ tục xin phép”’, ông Tưởng nói.

Ông Hoàng Văn Minh trong buổi tiếp PV Văn Hóa

Cũng tại buổi tiếp PV Văn Hóa, ông Hoàng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho hay, các hạng mục cải tạo và xây dựng tại chùa Long Hưng bắt đầu từ những năm 2013-2014 trên cơ sở người dân và một số doanh nghiệp địa phương ủng hộ công đức để xây dựng. “Sau khi các doanh nghiệp công đức là xây luôn một số hạng mục công trình, còn giấy phép thì đang làm thủ tục giấy phép liên quan. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có giâýphép”, ông Minh nói. Ông Minh cho biết thêm, cũng có một lần xã tới chùa lập biên bản vi phạm nhưng sư trụ trì lại nhất định không ký nên chua thể xử lý gì. Và cho tới nay sư thầy cũng vẫn chưa ký vì “còn phải đọc lại biên bản”. Khi P.V hỏi bản lưu của biên bản thì lãnh đạo UBND xã Vĩnh Ngọc cũng không thể đưa ra vì biên bản hiện vẫn do nhà chùa giữ”.

Liên quan tới phản ánh việc nhà chùa xây dựng nhà quàn để thờ tự hài cốt cho người dân nhưng lại thu phí từ 30-120 triệu/ trường hợp, ông Minh cho rằng mô hình nhà quàn để bảo quản, hương khói cho hài cốt người đã khuất cho những gia đình có nhu cầu là mô hình rất văn minh và nhà chùa đang xây dựng khu nhà quàn này từ năm 2016, cho tới nay đã hoàn thiện một phần của nhà quàn. Tuy nhiên ông Minh cho biết, việc đóng tiền để có vị trí đặt bình tro cốt là tự nguyện và tùy tâm người dân có nhu cầu…

Được biết, hiện nay, việc xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam bao gồm xây mới, cải tạo, nâng cấp sẽ thực hiện theo các quy định của Luật xây dựng 2014 đang có hiệu lực thi hành và các văn bản pháp luật khác. Việc cấp phép xây dựng các công trình tôn giáo thực hiện theo Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8.11.2012 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Luật xây dựng 2014 và Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Cụ thể trong Mục 6 về việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, Điều 34 ghi rõ: "Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải xin cấp giấy phép xây dựng".

QUỐC HÙNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/xa-hoi/artmid/619/articleid/38259/ha-noi-mot-ngoi-chua-xay-dung-cai-tao-quy-mo-lon-khong-phep