Hà Nội mở cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm

Đồ nướng, thức ăn đường phố, bánh kẹo Tết sẽ bị kiểm tra gắt gao về an toàn vệ sinh.

Ngay trong tháng 12/2019, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã bắt tay vào công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm.

Theo Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, quận vừa triển khai chuyên đề đồ nướng và tiến hành kiểm tra 50 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện 11,8% mẫu thức ăn (đồ nướng) dương tính với chất gây ung thư.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc bảo quản thực phẩm tại một nhà hàng trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Lực lượng chức năng kiểm tra việc bảo quản thực phẩm tại một nhà hàng trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đánh giá, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện vẫn chưa triệt để và còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, một thực tế là nếu cấp quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì 100% cơ sở tuân thủ, còn ở cấp phường, tỷ lệ này chỉ đạt 80%.

Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Khắc Vững thông tin, khi tiến hành thanh tra, có cơ sở đối phó bằng cách dừng hoạt động hoặc thông báo chủ cơ sở đi vắng… Một số trường hợp khi lực lượng chức năng phát hiện sai phạm, họ chấp hành lập biên bản nhưng lúc có quyết định xử phạt thì chống đối bằng cách chuyển địa điểm kinh doanh, đổi tên cơ sở.

Còn tại quận Ba Đình, trong năm 2019, 30 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của quận, phường đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 541 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm nêu thực tế, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thường xuyên biến động về loại hình kinh doanh, địa điểm, nhân viên… gây khó khăn cho công tác quản lý; một số tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vẫn còn hiện tượng lén lút mua, bán, giết mổ gia cầm sống không qua kiểm dịch thú y…

TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố cho hay, trong dịp Tết 2020, ngoài 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố; các đoàn kiểm tra liên ngành của 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn còn có sự vào cuộc của các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

"Trong quá trình triển khai, các đoàn kiểm tra, thanh tra cấp cơ sở, nhất là cấp phường nếu có khó khăn, vướng mắc cần liên hệ với cơ quan chức năng của thành phố để được hỗ trợ. Cùng với đó, thành phố cũng tăng cường nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra, kiểm tra gửi đến để có kết quả sớm.

Hằng tuần, ban chỉ đạo sẽ công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm, từ đó đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng" - ông Hiền nhấn mạnh.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội, 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Riêng CATP Hà Nội đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Hà Nội cũng đã lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 93,7%), tức còn 6,3% mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm không đạt...

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)cho biết, hiện từ cấp Trung ương đến các tỉnh, thành phố đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm và bắt đầu ra quân từ ngày 15/12/2019 đến 25/3/2020. Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, địa phương để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; trong đó sẽ đặc biệt lưu ý tại khu vực cửa khẩu.

Đáng chú ý, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức… vẫn diễn ra thường xuyên. Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/ha-noi-mo-cao-diem-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-3393557/