Hà Nội 'mịt mù khói tỏa' do đốt rơm rạ những ngày ô nhiễm không khí

Khói từ đốt rơm rạ là một trong 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí theo phân tích của UBND TP Hà Nội.

 Cuối vụ gặt, người dân miền Bắc thường có thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng để lấy tro cải tạo đất ruộng. Tuy nhiên, khói từ đốt rơm rạ này không chỉ cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Cuối vụ gặt, người dân miền Bắc thường có thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng để lấy tro cải tạo đất ruộng. Tuy nhiên, khói từ đốt rơm rạ này không chỉ cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Từ giữa tháng 9, người dân ngoại thành Hà Nội bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa. Trên các cánh đồng ở huyện Thanh Trì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Đông Anh... hình ảnh đốt rơm rạ xuất hiện thường xuyên.

Theo nhiều nông dân cho biết, một số loại rơm đẹp thì có thể bán cho thương lái để lót dưa, hoặc đem một phần về để lót cho trâu bò. Tuy nhiên phần lớn phải đốt rơm rạ ngay tại ruộng để lấy tro làm phân cho vụ sau.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Tại huyện Đông Anh, mỗi năm phát sinh khoảng 30.000 tấn rơm rạ, trong đó có khoảng 4.500 tấn bị đốt ngoài đồng...

Các chuyên gia môi trưởng cảnh báo quá trình đốt rơm rạ sẽ làm phát sinh khí thải O2, CO, NOx vào môi trường, không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Hà Nội.

TS Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng ngoài việc gây ra khói mù, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, việc đốt rơm rạ còn tạo ra lượng lớn bụi mịn PM2.5. Trong khi đó, bụi mịn vốn được coi là “sát thủ” trong không khí. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi đốt rơm rạ, hàm lượng bụi PM2.5 tăng đột biến trong không khí, trong đó lượng bụi mịn không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà còn theo gió phát tán ra một vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí, nhất là khu vực đô thị.

Tại họp báo Thành ủy Hà Nội chiều 1/10, ông Vũ Đăng Định - người phát ngôn UBND TP Hà Nội, chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm. Trong đó bao gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa. Được biết, từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai kế hoạch hạn chế, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ vào năm 2020.

PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn. Do vậy, đặc biệt khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Đông Phong (tổng hợp)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ha-noi-mit-mu-khoi-toa-do-dot-rom-ra-nhung-ngay-o-nhiem-khong-khi-89072.html