Hà Nội: Lý giải của vị Chi cục trưởng về việc gắn chip định vị để quản lý chó

Trước những ý kiến trái chiều gây xôn xao trên mạng xã hội về việc quản lý chó nuôi bằng phần mềm, gắn chip định vị, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội khẳng định chưa đưa ra đề xuất, mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài về giải pháp khống chế bệnh dại.

Những người nuôi chó lên tiếng

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, anh Đỗ Minh Tuyến, một người nuôi chó bày tỏ: “Tôi thấy việc thực hiện theo đề xuất này là quá tốn kém. Rất khó quản lý hết được, sẽ có người đóng, có người không. Nhất là trên tinh thần tự nguyện thì cũng chẳng kiểm soát được hết bệnh dại. Nhiều khi có người nuôi chó ta, có đáng bao nhiêu đâu mà gắn chip? Tôi không gắn chip nhưng vẫn tuân thủ khi ra đường là đeo rọ mõm cho chó và dắt xích, vẫn tiêm phòng đầy đủ cơ mà”.

Anh Nguyễn Hoàng Anh nhận định: “Chip định vị cấy vào da thì không rẻ, còn chip đeo vào cổ thì không khả thi vì trộm chó không ngốc đến nỗi giữ lại cái chip khi bắt trộm. Chắc có đủ tiền mua chip định vị để gắn cho mỗi con chó. Đề án này bất khả thi. Nếu các bạn muốn bảo vệ chó của mình, có thể tự mua chip định vị về mà cấy vào và tự theo dõi bằng phần mềm của hãng cung cấp thì tốt hơn, chip xịn tầm hơn 1.000 đô, loại phổ thông thì tầm 500 đô la Mỹ”.

Hiệu quả ngăn chặn nạn trộm chó của chip gắn ở vòng cổ không cao.

Tuy vậy, cũng có người đồng tình vì cho rằng việc này có thể giảm được tình trạng trộm chó đang diễn ra tại nhiều nơi, bạn Hương Trà (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Theo mình, nếu yêu chó thì nên gắn chip. Lúc bị bắt mất còn tìm được mà chuộc chứ không phải nài nỉ kẻ trộm chó để chuộc giá mấy chục triệu cũng phải nghe như bây giờ. Gắn chip là rất tốt nhưng chi phí hơi cao, nếu với giá chip trên thị trường hơn 2 triệu thì mua chip xong, chó nhịn cả tháng mất”.

Anh Nguyễn Tuấn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn còn tỏ ra băn khoăn: "Thực ra mình nghĩ nên quản lý bằng chip, nhưng quản lý thế nào, cụ thể ra sao thì phải có kế hoạch rõ ràng. Nếu sau này áp dụng gắn chip với mức giá hơn 2 triệu kèm phí duy trì dịch vụ mỗi tháng thì quá “chát”, vì nhiều hộ khó khăn nuôi chó ta bình thường, không dành nhiều tiền đầu tư cho chó, khó có thể chi trả được. Chắc do học theo mô hình nước ngoài thôi, khi mượn mô hình nước ngoài thì phải điều chỉnh phù hợp”.

“Vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa xây dựng cụ thể”

Trao đổi với PV Người Đưa Tin ngày 27/12/2018, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: “Hiện tại, ý tưởng về đề án quản lý chó nuôi bằng phần mềm thông qua gắn chip định vị còn chưa cụ thể, vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm tài liệu, học hỏi những kinh nghiệm từ nước ngoài, chưa được xây dựng cụ thể”.

Theo Trạm trưởng trạm Thú y quận Thanh Xuân, bà Mai Thị Lạn Hương, đó chỉ là phát biểu của Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội trong hội nghị ngày 19/12, để đưa vào thực hiện được còn liên quan rất nhiều yếu tố như kinh phí, kỹ thuật, phần mềm, cần xem xét, bàn bạc hết sức kỹ càng.

Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh cho biết: “Đề án muốn xây dựng và đưa vào thực tiễn, phải nói rõ mục đích, nếu chip chỉ để chống trộm chó thì nên biến nó thành một công việc của xã hội, giao cho một trung tâm mang tính chất thị trường, ai có nhu cầu cần bảo vệ chó thì sử dụng; nếu nhằm mục đích phòng chống bệnh dại, thì phải giao cho trung tâm Nhà nước, phải có nghĩa vụ, không để chó dại ảnh hưởng đến xã hội”.

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình đánh giá: “Đề án này là sự tiếp thu, học tập mô hình ở nước ngoài, nhưng khi đưa về Việt Nam thì khó khả thi, trước hết, ở tầng hiểu biết xã hội và đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội.

Những người nuôi chó coi như thú cưng, thậm chí nuôi những chú chó đắt tiền, sẽ không ngại gắn chip để theo dõi và hạn chế nạn trộm chó. Còn những người nuôi chó chỉ với mục đích trông nhà hay lấy thịt, người ta chắc chắn không bỏ tiền gắn chip.

Việc quản lý, phòng ngừa bệnh dại trước nay theo phương pháp truyền thống vẫn mang lại hiệu quả, vì thế, có rất nhiều lý do cho thấy đề án này chưa thể thực hiện trong thời điểm này”.

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình đánh giá đề xuất "quản lý chó nuôi bằng phần mềm, gắn chip định vị" thiếu khả thi vì nhiều lý do.

Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân tháng 12/2018, mô hình săn bắt chó thả rông được chính thức triển khai hoạt động từ tháng 9/2018, sau 3 tháng thực hiện đã thu được nhiều kết quả, kết quả cụ thể như sau:

- Số buổi tổ chức đi bắt: Trung bình khoảng tuần 1 buổi hoặc do đề xuất của tổ dân phố (không thông báo trước);

- Số chó vi phạm bị bắt: 12 con; Sau khi bắt mang về phường sẽ thông báo đặc điểm nhận dạng và điều kiện nhận chó để chủ biết đến làm thủ tục nhận;

- Xử phạt chủ nuôi: 09 con số tiền phạt 6.300.000đ (phạt 700.000đ/con) Kết quả xử lý vi phạm hành chính thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình xử lý vi phạm; sau khi chủ nuôi mang chứng minh thư và giấy chứng nhận tiêm phòng dại của chó đến, chấp hành xử phạt và cho chó nhận chủ; nếu chó chưa tiêm vắc xin phòng bệnh dại sẽ phải tiêm trước khi thả về;

- Số chó không có người nhận: 03 con, số chó này được bàn giao vào trung tâm Nghiên cứu và bảo vệ vật nuôi thuộc bộ Khoa học công nghệ để tiếp tục theo dõi, nuôi dưỡng và tìm chủ mới cho vật nuôi.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-noi-ly-giai-cua-vi-chi-cuc-truong-ve-viec-gan-chip-dinh-vi-de-quan-ly-cho-a416419.html