Hà Nội: Lấy nước sông Hồng 'cứu' hồ Tây và sông Tô Lịch?

'Quy trình thay nước phải làm từ từ để theo dõi biến động của thủy sinh vật trong hồ. Bởi nếu làm mất thủy sinh vật đặc trưng, hồ Tây chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học' - Đó chia sẻ của GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, trong buổi tọa đàm 'Đề xuất giải pháp bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững' mới đây tại Hà Nội.

Ô nhiễm môi trường, hàng loạt cá chết ở hồ Tây trong thời gian qua

Ô nhiễm môi trường, hàng loạt cá chết ở hồ Tây trong thời gian qua

Từ câu chuyện thực tế

Với diện tích hơn 500ha, hồ Tầy (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) được coi là “lá phổi xanh” trong lòng Hà Nội. Tuy nhiên, những năm gần đây, hồ Tây có nguy cơ trở thành “hồ chết”. Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, môi trường nước hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ do nhiều nguyên nhân như: Gia tăng dân số làm gia tăng lượng rác, nước thải sinh hoạt; trầm tích đáy hồ tích tụ nhiều năm chưa được nạo vét… Bên cạnh đó, thời gian qua lượng mưa ít và nắng nóng kéo dài khiến nước hồ Tây đang có dấu hiệu bị cạn kiệt…

Cùng với hồ Tây, sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của TP Hà Nội. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông khiến cho diện tích sông bị thu hẹp, hành lang bảo vệ bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do mỗi ngày có khoảng hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt (NTSH) và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông. Từ một con sông đẹp, Tô Lịch đã trở thành nơi chứa nước thải của TP.

Phát biểu tại buổi tọa đàm được tổ chức hôm 19/12, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hồ Tây đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Mưa là nguồn bổ cập nước tự nhiên duy nhất vào hồ. Vào mùa khô, lượng nước mưa ít trong khi lượng nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao, đồng thời hiện tượng biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc mất cân bằng gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ.

Ngoài ra, môi trường nước hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng. “Hồ Tây có thể biến thành hồ chết, nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và nếu mực nước hồ tiếp tục giảm, hệ sinh thái trong hồ sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng lo ngại.

Theo ông Hùng việc bổ cập nước cho hồ là hết sức cần thiết. Công ty Thoát nước đưa ra 3 nguồn nước chính có thể cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch gồm: Nước ngầm thông qua các giếng khoan; Nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn; Lấy nước từ sông Hồng.

Đến giải pháp từ các chuyên gia

Các chuyên gia cho rằng, lấy nước từ sông Hồng là phương án khả thi do hồ Tây trước đây là một đoạn của sông Hồng. Chất lượng nước sông Hồng sẽ phù hợp với nước trong hồ Tây. Theo GS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Thủy lợi phân tích: Những năm gần đây, lượng nước phù sa của sông Hồng ngày càng suy giảm, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch. “Phù sa giảm, quy trình xử lý bùn khi lấy nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch đỡ phức tạp hơn, tốn kém hơn. Tuy nhiên, khó khăn là nước sông Hồng cũng ngày càng giảm sút so với trước đây” - GS Lượng phân tích.

Liên quan đến ý tưởng lấy nước từ sông Hồng về làm sạch sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc, GS Lượng cho rằng cần phải xem lại. Nếu triển khai phương án này phải làm đường dẫn nước dài tới 10,5km là rất tốn kém. “Cách tốt nhất là bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, sau đó dẫn ra sông Tô Lịch” - GS Lượng đưa ra giải pháp.

Đồng quan điểm với GS Dương Thanh Lượng, GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam nêu giải pháp. “Quy trình thay nước cần phải làm từ từ, để chúng tôi có điều kiện theo dõi biến động của thủy sinh vật trong hồ. Bởi nếu làm mất thủy sinh vật đặc trưng của hồ Tây thì nó chẳng khác nào cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan cũng như sinh học” - GS Yên nói.

PGS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội mong muốn: “Cần bổ cập nước cho hồ Tây và xử lý nước để sông Tô Lịch trở nên sạch, đẹp và thơ mộng. Việc này rất cần sự vào cuộc của chính quyền Hà Nội, càng sớm càng tốt”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, người nghiên cứu, đưa công nghệ lọc nước sông Tô Lịch thành nước uống ngay được) cũng cho rằng cần tách nguồn thải vào sông Tô Lịch trước khi xử lí. Theo ông Côn, cần giữ mực nước cho sông Tô Lịch từ 0,5 - 1m trở lên để động thực vật, thủy sinh sống được và tự làm sạch sông. Ngoài ra, có thể bổ sung nước bằng cách kết hợp nước thải đã xử lý, nước mưa và xây đập mở tùy theo độ cao của sông để giữ và điều chỉnh nước.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ha-noi-lay-nuoc-song-hong-cuu-ho-tay-va-song-to-lich-3971263-b.html