Hà Nội lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ

Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng để phục vụ”.

Ảnh minh họa

Tối 11/10, tại Hà Nội, tại Hà Nội đã diễn ra lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập - Phát triển” và trao cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quyết liệt triển khai các biện pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

“Thành phố bước đầu đã tạo được niềm tin của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường kinh doanh trên địa bàn Thủ đô” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Người đứng đầu TP Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ đồng thời tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, trước hết, Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung cam kết trong chương trình “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng để phục vụ”.

Lãnh đạo các cấp của Thành phố thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn, các nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh chính sách, xây dựng chính sách mới và thực hiện kịp thời các giải pháp cần thiết để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; Xây dựng hệ thống Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố vững mạnh làm điểm bứt phá.

Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, động viên, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo trong xã hội.

Hà Nội cũng sẽ thực hiện các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp sau khởi nghiệp; hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội và vượt qua được các thách thức từ quá trình hội nhập.

Chủ tịch Thành phố cũng nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ cải cách các quy định, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; phấn đấu dẫn đầu cả nước về xây dựng Chính quyền điện tử. Nâng cao năng lực làm việc, ý thức, kỷ luật, kỷ cương, hiệu suất làm việc, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức để góp phần giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp,…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định, doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia. Ở nhiều nước trên thế giới có những doanh nghiệp lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho cả quốc gia. Việt Nam cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu mang thương hiệu Việt đến với thế giới.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ.

“Việt Nam cần phát triển với trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt” - Thủ tướng nói.

“Chúng ta phải làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp.

Theo đó, ba đồng hành là đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương.

Năm hỗ trợ là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Thủ tướng kêu gọi mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trí tuệ, tập hợp sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho chính mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201610/ha-noi-lay-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-la-doi-tuong-de-phuc-vu-544195/