Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong nhiều tiêu chí cải cách hành chính

Báo cáo của UBND TP Hà Nội về kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020 cho thấy, trong công tác CCHC, đã xuất hiện nhiều sáng kiến, đột phá, tiên phong do TP triển khai, được Trung ương, các Bộ, ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trên nhiều tiêu chí.

Cụ thể, TP là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai sớm, tích cực xác định vị trí việc làm theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ; là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ quản lý nhân, hộ khẩu. Đồng thời khai thác hiệu quả phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, DN.

Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường, thị trấn có liên thông dữ liệu với BHXH và CATP trên cơ sở chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư.

Năm 2016, kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân với 4 lĩnh vực lao động việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công cho kết quả hài lòng đạt 80%. Ảnh: Vân Hà

Năm 2016, kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân với 4 lĩnh vực lao động việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công cho kết quả hài lòng đạt 80%. Ảnh: Vân Hà

Đồng thời là địa phương đầu tiên triển khai đồng bộ xác định chỉ số CCHC cấp xã và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện; địa phương đầu tiên quy định áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, DN, HTX.

Nhìn chung, liên tục từ năm 2011 đến nay, UBND TP đã tham mưu Thành ủy Hà Nội xác định CCHC là một trong những khâu đột phá của TP; xây dựng thành một trong những Chương trình hành động của BCH Đảng bộ TP trong nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020. Chính vì vâỵ̣, công tác CCHC luôn có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất từ các cấp ủy đảng đối với chính quyền; có được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia vào cuộc và giám sát của cả hệ thống chính trị; được các cấp, các ngành, người dân đồng tình ủng hộ.

Công tác triển khai Chương trình tổng thể về CCHC của Chính phủ đã được TP thực hiện bài bản: Công tác tuyên truyền đa dạng, hiệu quả; hệ thống văn bản chỉ đạo và triển khai được xây dựng thành hệ thống khoa học, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội; việc xác định nội dung trọng tâm về CCHC trong từng giai đoạn, từng năm phù họp với tình hình thực tiễn và đặc thù của Thủ đô.

Việc triển khai theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; phương thức triển khai nghiêm túc, quyết liệt, sâu sát, dứt điểm...; quá trình triển khai đi đôi với kiểm tra, đánh giá, động viên, khen thưởng kịp thời... Nhận thức của các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của TP về công tác CCHC; về vai trò, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình tổng thể về CCHC của Chính phủ, Kế hoạch CCHC của TP trong giai đoạn và Kế hoạch hàng năm được nâng lên, có sự chuyển biến rõ rệt.

Mỗi năm TP xác định một số lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên để thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân. 100% quận, huyện, thị xã đã xây dựng, ban hành và triển khai Bộ chỉ số CCHC đánh giá đối với các phòng, ban, bộ phận trực thuộc ƯBND. TP chỉ đạo 100% các đơn vị có thực hiện giải quyết TTHC đối với người dân và DN phải thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân trong việc phục vụ các dịch vụ hành chính công.

Bên cạnh đó, TP phối hợp tốt với các Ban Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức Trung ương, tổ chức quốc tế thực hiện nhiều cuộc khảo sát, lấy ý kiến của người dân, DN đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của TP; phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy duy trì thường xuyên các cuộc điều tra xã hội học nhằm nắm bắt phản ánh tình hình dư luận xã hội về công tác CCHC. Qua công tác này, nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối vói công tác CCHC được nâng cao; việc đánh giá công tác CCHC đi vào thực chất, có chiều sâu và thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ.

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, từ năm 2016 đến nay, TP đều ban hành Kế hoạch khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP, giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan chủ trì triển khai nghiệp vụ điều tra, khảo sát. Năm 2016, TP tiến hành khảo sát, đo lường mức độ hài lòng đối với 4 lĩnh vực: Lao động việc làm, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo trợ xã hội, Người có công. Kết quả chỉ số hài lòng chung là 80%.

Báo cáo của UBND TP cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện như công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành về CCHC ở một số cơ quan, một số lĩnh vực còn chưa sát sao, chưa quyết liệt, vẫn còn có nhiệm vụ chậm tiến độ. Nhận thức của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt ở cấp xã về công tác CCHC còn hạn chế; việc xây dựng Kế hoạch CCHC hàng năm còn hình thức, chung chung, chưa cụ thể, chưa gắn với đặc thù, nhiệm vụ của ngành, đơn vị, chưa xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Một số xã, phường, thị trấn còn thiếu chủ động trong xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch năm chủ đề công tác của TP.

Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các quy chế, quy trình công tác, kết luận, chỉ đạo của cấp trên còn hạn chế. Tính chủ động trong tham mưu, đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN ở một số cơ quan, đơn vị, bộ phận, cá nhân còn yếu; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung, hình thức tuyên truyền theo chỉ đạo của TP dẫn tới thông tin đến người dân chưa đầy đủ, kịp thời…

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-la-dia-phuong-di-dau-ca-nuoc-trong-nhieu-tieu-chi-cai-cach-hanh-chinh-199120.html