Hà Nội kiên quyết thu hồi 47 dự án chậm triển khai

Ngày 13-8, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội. Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội dự phiên giải trình.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội đặt câu hỏi chất vấn.

Tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, đất đai là một trong những nguồn lực rất quan trọng để phát triển Thủ đô, nhất là sau khi có Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014. Việc quản lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất tài sản công đặc biệt này thuộc chính quyền các cấp, nhân dân và cử tri Thủ đô. Tuy nhiên, qua đợt giám sát chuyên đề của HĐND Thành phố về các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai vừa qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, ảnh hưởng sản xuất, cuộc sống của nhân dân.

Tại phiên giải trình, hàng loạt các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố đã được bêu danh. Những dự án này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân nằm trong quy hoạch. Điển hình là dự án khu đô thị mới Cầu Bươu có diện tích gần 20ha trên địa bàn huyện Thanh Trì đã được Thành phố giao đất năm 2007, nhưng đến nay mới chỉ có một tòa nhà rộng vài nghìn m2 mọc lên, cùng vài ngôi biệt thự bỏ hoang.

Hậu quả, hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố số 2, xã Tân Triều nằm trong quy hoạch dự án phải sống trong cảnh tạm bợ. Dự án siêu thị Metro giai đoạn 2 thuộc địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai được giao đất từ năm 2005, nhưng 13 năm nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Tương tự, dự án xây dựng Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê có diện tích hơn 2.000m2 tại phường Xuân La, quận Tây Hồ do Công ty CP xây dựng Sông Hồng làm chủ đầu tư, tám năm qua chưa triển khai, giờ biến thành bãi phế thải gây ô nhiễm. Có dự án đã được Thành phố chấp thuận chủ trương hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, thậm chí có dự án có chủ trương đầu tư đến 10 năm song vẫn chưa hoàn thành thủ tục về đất đai để được giao đất, cho thuê đất như dự án đầu tư xây dựng Trường PTTH Trần Quang Khải tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì...

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến tháng 6-2018, toàn Thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012-2017. Trong đó, có 76 dự án chậm triển khai từ 5 năm đến hơn 10 năm, chiếm 50%. Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội và báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã hiện có 383 dự án chậm triển khai có dấu hiệu vi phạm.

Đã có 28 đại biểu với 33 lượt câu hỏi làm rõ những bất cập trong công tác quản lý các dự án chậm triển khai được đưa ra trong phiên giải trình. Các ý kiến cho rằng, 383 dự án chậm triển khai do nhiều nguyên nhân, như: vướng về giải phóng mặt bằng, quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính…, song có một nguyên nhân chủ quan là do các cơ quan quản lý của Thành phố và quận, huyện chưa kiên quyết, còn nể nang, né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu cho UBND Thành phố trong quản lý, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, tình trạng các dự án sử dụng đất chậm triển khai gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân đầu tiên khiến các dự án chậm được triển khai là do năng lực của nhà đầu tư còn yếu. Các dự án gặp khó khăn trong huy động vốn hoặc do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án, khiến nhiều nhà đầu tư "hụt hơi" về tài chính. Tiếp đó, do sự yếu kém trong quản lý, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận, huyện.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, để tăng cường công tác hậu kiểm, cũng như nắm được diễn biến triển khai của dự án, Thành phố đang khẩn trương hoàn thành phần mềm quản lý các dự án. Ngay sau phiên họp giải trình này, Thành phố sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm triển khai cần phải thu hồi.

Đồng chí nhấn mạnh, Thành phố đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư và chỉ thu hồi khi chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai. Quan điểm của Thành phố, sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện.

AN TRÂN - Ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37303702-ha-noi-kien-quyet-thu-hoi-47-du-an-cham-trien-khai.html