Hà Nội: Kiến nghị quan tâm chế độ đãi ngộ cho cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã

'Đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã hiện phải làm rất nhiều việc, trong khi biên chế cấp xã không được tăng (với xã loại 2, 3 chỉ được bố trí 1 biên chế). Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương nên đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này, vì xét cho cùng, hoạt động đưa pháp luật vào cuộc sống hướng tới cái đích cuối cùng chính là người dân, doanh nghiệp, đời sống hằng ngày ở cơ sở' - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn kiến nghị.

Sáng nay (15/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg và xây dựng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương”, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Tại điểm cầu TP Hà Nội có sự tham dự của Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Bùi Huyền Mai; Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn.

 Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP Hà Nội

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP Hà Nội

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Ngày 20/6/2020, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân”, với những định hướng mới mang tính chiến lược, là kim chỉ nam để triển khai công tác PBGDPL trong giai đoạn mới. Để tổ chức thực hiện Kết luận này, Thủ tướng ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trách nhiệm, tiến độ thực hiện của các ban, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, nhằm tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và nâng cao ý thức, thói quen chấp hành tuân thủ pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến này với mục đích triển khai thống nhất, hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định 1521/QĐ-TTg; phát hiện, chia sẻ, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả về PBGDPL của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương.

“Việc tổ chức thực hiện công tác PBGDPL thời gian tới cần thực chất, lấy sự thay đổi về nhận thức, thói quen, hành vi thượng tôn pháp luật của Nhân dân làm mục tiêu thực hiện; nội dung PBGDPL đầy đủ, toàn diện, vừa đảm bảo tính cập nhật các văn bản QPPL mới ban hành vừa giúp Nhân dân giải đáp được các vấn đề pháp luật cụ thể thường xuyên gặp phải trong đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh. Hình thức, phương thức thực hiện cần lấy người dân làm trung tâm; tăng ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; phát huy trách nhiệm thực hiện một cách chủ động với tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị và vận dụng hiệu quả kỹ năng dân vận khéo trong công tác PBGDPL” - Thứ trưởng lưu ý.

Tại đây, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã tham luận, thảo luận về: Quán triệt nội dung cơ bản, những việc mới, nhiệm vụ, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định 1521/QĐ-TTg; thách thức đặt ra để thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định 1521/QĐ-TTg, từ đó đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện công tác PBGDPL đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp bối cảnh, điều kiện, tình hình thực tế của cả nước cũng như từng địa phương; chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình PBGDPL hiệu quả tại ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, từ đó nghiên cứu, đề xuất nhân rộng các mô hình ở các địa phương, ban, bộ, ngành để áp dụng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn tham luận

Đáng chú ý, đại diện Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội tham luận tại điểm cầu Hà Nội về “Kinh nghiệm của Hội đồng PBGDPL TP trong tổ chức triển khai có hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn TP”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn chia sẻ: Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền PBGDPL. Ngay sau khi có Kết luận số 80-KL/TW, Thành ủy đã có chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; trên cơ sở đó UBND TP có kế hoạch cụ thể, Hội đồng thể chế hóa vào nhiệm vụ trong năm nay và những năm tiếp theo. Đó là vấn đề tiên quyết để đưa công tác PBGDPL- một trong những khâu đầu tiên quan trọng nhất của công tác tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Giám đốc Sở cũng cho hay, từ năm 2013 đến nay, Hội đồng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của TP và có cơ cấu tổ chức ổn định, bài bản; cơ chế vận hành hợp lý, khoa học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hội đồng có Chủ tịch là Phó Chủ tịch UBND TP, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; đến nay có 44 thành viên; hằng năm đều có kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể với các thành viên; trong đó năm tới sẽ đổi mới hoạt động bằng cách thực hiện các chuyên đề gắn với tình hình thực tiễn, như về PBGDPL liên quan công tác bầu cử, PBGDPL trong trường học… Nhất là công tác đảm bảo kinh phí hoạt động của Hội đồng rất được coi trọng, trong đó ở cấp TP từ năm 2013 đến nay đã bố trí gần 200 tỷ đồng cho hoạt động PBGDPL; 30 quận, huyện đều có Hội đồng PBGDPL ở cấp mình, mỗi năm bố trí bình quân 500-600 triệu đồng cho công tác này. Hoạt động của Hội đồng luôn có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên quan tâm đổi mới, gắn với hiệu quả và tính khả thi của công tác này. Từ năm 2014 đến nay, TP đã xây dựng, duy trì Trang PBGDPL của TP, với nhiều chuyên mục, thông tin liên quan nhiều lĩnh vực gắn với đời sống thường ngày của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để tăng cường, đổi mới hoạt động PBGDPL theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị mỗi năm có một chuyên đề chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở; nâng mức chi cho công tác PBGDPL để cán bộ tham gia đáp ứng sự phát triển của KT-XH và có quy định chế độ phụ cấp cho các thành viên Hội đồng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, trong đó cần đặc biệt quan tâm người làm công tác này ở cấp xã.

“Đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã hiện phải làm rất nhiều việc, trong khi biên chế cấp xã không được tăng (với xã loại 2, 3 chỉ được bố trí 1 biên chế). Hội đồng PBGDPL Trung ương nên đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này, vì xét cho cùng, hoạt động PBGDPL đưa pháp luật vào cuộc sống hướng tới cái đích cuối cùng chính là người dân, doanh nghiệp, đời sống hằng ngày ở cơ sở. Song song đó, không thể quên những người làm công tác tư pháp ở cấp huyện, vì hiện biên chế của khối này cũng không tăng, chúng tôi rất lo lắng. Công tác tuyên truyền PBGDPL là thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong đó có sự tham mưu đắc lực của các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến cơ sở, nên rất mong lãnh đạo Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương có đề xuất có cơ chế bố trí đủ biên chế để đảm bảo cho công tác PBGDPL ở cấp huyện”- ông Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-kien-nghi-quan-tam-che-do-dai-ngo-cho-can-bo-tu-phap-ho-tich-cap-xa-404350.html