Hà Nội kiến nghị đơn giản hóa 9 điều kiện đầu tư, kinh doanh

Thời gian qua, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn TP Hà Nội luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo sâu sát, bảo đảm hiệu quả và thiết thực.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính (qua đường dây nóng 0243.9346034, địa chỉ hộp thư điện tử kiemsoatthutuchanhchinh@hanoi.gov.vn, hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân) luôn được thực hiện đúng quy định. Trong quý III năm 2019, TP đã tiếp nhận 30 phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, đã xử lý 21 phản ánh kiến nghị, đang xử lý 9 phản ánh kiến nghị (trong thời hạn).

Bên cạnh đó, việc rà soát TTHC được quan tâm, chú trọng, qua đó đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế danh mục các TTHC theo quy định. Tính đến ngày 15-9-2019, toàn TP có 1.828 TTHC, trong đó cấp Sở có 1510 TTHC, cấp huyện có 230 TTHC và cấp xã có 88 TTHC.

Đáng nói, nhiều đơn vị chủ động rút ngắn thời gian giải quyết TTHC so với thời gian theo quy định trong quyết định công bố TTHC, bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC (như UBND quận Hà Đông, huyện Sóc Sơn).

Người dân làm TTHC tại bộ phận một cửa huyện Gia Lâm. Ảnh: P. Thảo

Người dân làm TTHC tại bộ phận một cửa huyện Gia Lâm. Ảnh: P. Thảo

Cũng trong quý III năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và điều chỉnh nội dung một số TTHC lĩnh vực công thương trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Trong đó kiến nghị Bộ Công thương xem xét, trình Chính phủ hoặc kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 4 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thành phần hồ sơ của 7 TTHC, đơn giản hóa được 9 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công thương.

TP Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa TTHC đối với 5 nhóm TTHC theo kế hoạch, bao gồm TTHC lĩnh vực du lịch; TTHC lĩnh vực ngoại vụ; TTHC lĩnh vực văn hóa và thể thao; TTHC nội vụ; các TTHC lĩnh vực giáo dục và đào tạo (cấp huyện, xã).

Hiện nay, Sở Du lịch và Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc rà soát (đề xuất đơn giản 126 TTHC thuộc lĩnh vực du lịch, giáo dục); các Sở, ngành còn lại đang tích cực rà soát, đánh giá, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo kế hoạch và chỉ đạo của UBND TP.

Trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức nhiều hình thức sáng tạo để hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc kê khai và nhập hồ sơ đăng ký giải quyết TTHC trực tuyến như: in tờ gấp hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, huy động lực lượng thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân tại các điểm sinh hoạt dân cư, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả...

UBND TP đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP Hà Nội” tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động tại các Sở, ban ngành, đơn vị, đoàn thể TP, UBND các quận huyện thị xã, người dân, DN. Qua đó, nhằm phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của TP, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP thấy được lợi ích, hiệu quả của Dịch vụ công trực tuyến và góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng Dịch vụ công trực tuyến.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, DN khi thực hiện TTHC, TP Hà Nội luôn quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, đặc biệt là việc triển khai hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp. TP phấn đấu năm 2019 có 100% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, người dân có quyền lựa chọn cách thức thực hiện TTHC (trực tiếp, qua mạng intenet, qua dịch vụ bưu chính…).

Tính đến quý III-2019, TP Hà Nội đã triển khai 1.448 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 1.209 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 239 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 80%. Trong đó, các đơn vị tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gồm: Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (đạt 100%); Sở GD&ĐT (40%); Sở Văn hóa và thể thao (38%).

Hiện, TP giao Sở Tư pháp tiếp tục hoàn thiện Dự thảo “Đề án thí điểm phân cấp, ủy quyền cho công chức tư pháp – hộ tịch ký văn bản chứng thực thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã”, trên cơ sở đó sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Từ thực tiễn quản lý, UBND TP Hà Nội đề nghị các Bộ, ngành sau khi công bố TTHC, cần kịp thời công khai lên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Đồng thời, TTHC được công bố phải bảo đảm đầy đủ bộ phận tạo thành theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước làm cơ sở để địa phương công bố danh mục TTHC theo quy định. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các chức năng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để địa phương thuận tiện cập nhật và khai thác dữ liệu TTHC được thuận lợi.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-kien-nghi-don-gian-hoa-9-dieu-kien-dau-tu-kinh-doanh-166648.html