Hà Nội: Kiềm chế tối đa việc tăng giá gas

Giá gas liên tục tăng kể từ đầu năm đến nay đang là mối quan tâm của người tiêu dùng cả nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này chủ trương kiềm chế tối đa việc các doanh nghiệp tăng giá gas không phù hợp với yếu tố “đầu vào” (tức là giá nhập khẩu).

Tại các doanh nghiệp đầu mối, lượng tiêu thụ gas cũng giảm mạnh.

Thời gian qua, Sở Tài chính Hà Nội đã trả lại một số hồ sơ đăng ký giá gas của các doanh nghiệp khi phát hiện lý do tăng không phải do yếu tố “đầu vào”(tức là do giá gas trên thị trường thế giới tăng) mà là tăng do cả các yếu tố khác như: chi phí vận chuyển, lợi nhuận...

Đây là thông tin được bà Vương Thu Hằng, Trưởng ban quản lý giá Sở Tài chính Hà Nội cho biết tại Hội nghị thông tin về công tác quản lý giá và vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội do liên ngành Thông tin và Truyền thông, Tài chính và Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 2-3.

Cũng theo bà Vương Thu Hằng, trong tháng 2 năm nay, giá gas trên thị truờng thế giới tăng so với thời điểm trước là 145 đô la Mỹ/tấn và trong những ngày đầu tháng 3 tiếp tục tăng so với trước tới 180 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, giá gas ở nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn của giá gas thế giới, vì phần lớn gas vẫn phải nhập khẩu, nguồn gas từ Dung Quất còn chiếm tỉ trọng hạn chế. Gas là mặt hàng Nhà nước quy định phải đăng ký giá. Thời gian qua, một số doanh nghiệp kinh doanh gas khi đăng ký giá đã bị Sở Tài chính Hà Nội trả lại hồ sơ đăng ký giá và yêu cầu thực hiện lại việc đăng ký giá theo yếu tố “đầu vào”, hạn chế tối đa các chi phí khác.

Tuy nhiên, từ ngày 1-3, giá gas trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, do đó mỗi bình gas 12kg tăng khoảng trên 50.000 đồng so với giá trước đây. Người tiêu dùng cần tiết kiệm, sử dụng gas có hiệu quả hơn.

Thanh Trà

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/ha-noi-kiem-che-toi-da-viec-tang-gia-gas-c1039n20120303022655937p0.htm