Hà Nội: Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học

Chiều 26/8 tại Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến 'Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học' với sự tham dự của đại diện Sở Y tế, Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện các trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Ngành giáo dục Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm học mới. Ảnh minh họa

Ngành giáo dục Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm học mới. Ảnh minh họa

Thông tin về tình hình quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn trường học trên địa bàn Thành phố thời gian qua, ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Tại Hà Nội, công tác quản lý ATTP đã được chú trọng, đặc biệt các bếp ăn tập thể đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm... Nguyên nhân chủ yếu là việc thực hiện các quy định điều kiện ATTP chưa đảm bảo, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Để tăng cường công tác quản lý ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm tại bếp ăn tập thể trên địa bàn, Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường Tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra ATTP của bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thu Hà- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) cho biết: Khi tham gia mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường học, nhà trường đã thực hiện một số biện pháp để bảo đảm công tác vệ sinh tại bếp ăn.

Theo đó, nhà trường thường xuyên rà soát, bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác bán trú. Trường lựa chọn ký hợp đồng với đơn vị uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường. Việc bảo đảm công tác vệ sinh là điều kiện tiên quyết mà nhà trường yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc,

Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, công khai công tác vệ sinh và các điều kiện về an toàn thực phẩm, nhà trường luôn làm tốt công tác bán trú, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, giáo dục học sinh ý thức giữ vệ sinh chung, góp phần nâng cao sức khỏe và sự an toàn của học sinh.

Ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng - Khoa học công nghệ, Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu

Ông Kiều Cao Trinh- Phó Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng - Khoa học công nghệ, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: Công tác bảo đảm ATVSTP được ngành triển khai rất bài bản. Vào đầu năm học, Sở GD&ĐT và Sở Y tế phối hợp ban hành Kế hoạch liên ngành về công tác y tế trường học, trong đó đề ra mục tiêu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.

Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường. Trong đó, nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học có bán trú.

Bà Hoàng Thanh Hương- Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: So với các trường mầm non, việc kiểm soát tình hình dinh dưỡng bữa ăn tại các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục có phần khó hơn. Sở đã tăng cường kiểm soát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại tất cả các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Sau dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt tăng cường tuyên truyền, kiểm tra để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm tại các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở cũng huy động sự tham gia giám sát của cha mẹ trẻ; các đoàn thể tại địa phương; đồng thời, xây dựng các nhóm lớp điểm về chăm sóc nuôi dưỡng.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-khong-de-xay-ra-ngo-doc-thuc-pham-trong-truong-hoc-post605719.html