Hà Nội không để 'đội' giá thịt lợn dịp Tết

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố báo cáo tình hình thu mua, kinh doanh các sản phẩm trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài một số mặt hàng: thịt lợn, gia súc gia cầm, thủy hải sản, các mặt hàng thực phẩm chế biến, bánh, kẹo, rượu, bia... định kỳ 10 ngày/lần (tính từ ngày 1.12.2019 đến hết ngày 28.2.2020) hoặc khi có biến động về nguồn cung, giá cả.

Hà Nội chủ động bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 - Ảnh: Internet

Hà Nội chủ động bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 - Ảnh: Internet

Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong dịp Tết Nguyên đán 2020, nhu cầu thịt lợn tại Hà Nội tăng 22.300 tấn/tháng, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm mạnh. Cùng lúc, đàn lợn toàn thành phố giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến.

Hiện tại, theo Sở Công Thương Hà Nội đã có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng tết, với tổng trị giá hơn 18.000 tỉ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.

Đến nay có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 6-7% lượng hàng hóa so với Tết 2019. Đơn cử như: Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Vincommerce, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 10-25% so với năm ngoái, với tổng trị giá tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỉ đồng.

Đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết siêu thị dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, trong cơ cấu hàng hóa dự trữ có khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà. Đặc biệt, siêu thị đã chuẩn bị các chương trình “khóa giá” bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết Nguyên đán.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, ngoài việc khai thác nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc, các siêu thị sẵn sàng vận chuyển một lượng lớn từ thị trường phía Nam đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội.

Trong khi đó, đại diện Siêu thị Co.opmart cũng bảo đảm bình ổn giá theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội và của riêng doanh nghiệp, doanh nghiệp đã tính toán và chủ động làm việc với nhà cung cấp nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt tháng cận Tết

Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị Sở NN&PTNT báo cáo tình hình nguồn cung mặt hàng thịt lợn, gia súc, gia cầm, thủy hải sản, các mặt hàng thực phẩm chế biến gửi Sở Công Thương định kỳ 10 ngày/lần tính từ ngày 1.12.2019 đến hết ngày 28.2.2020.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/ha-noi-khong-de-doi-gia-thit-lon-dip-tet-127126.html