Hà Nội khác lạ trong 'Chín bỏ làm mười'

4 năm sau cuốn tiểu thuyết 'Cậu ấm', độc giả lại được gặp nhà văn Trần Chiến trong tập sách mới 'Chín bỏ làm mười'. Bằng ngôn ngữ đầy ắp hình ảnh, đời sống của phố cổ Hà Nội những năm 1960 được tác giả tái hiện qua lăng kính của nhà văn, nhà báo.

Trần Chiến sinh ra ở Hà Nội, lớn lên giữa phố cổ, không bao giờ nhận mình là người Hà Nội gốc, nhưng ông có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội, như thể mảnh đất Thủ đô được ông thuộc như lòng bàn tay. Cách viết của ông không xuôi dòng dễ đọc. Cả khi viết tiểu thuyết “Ðèn vàng”, “Cậu ấm”, “A đây rồi Hà Nội 7 món", người ta cũng không gặp những cái lãng đãng khói sương của Hà Nội. Thay vào đó là cái nhìn có phần xoáy sâu để cố gắng soi rọi vào sự ngổn ngang của đô thị, hoặc có khi là gắng gỏi lý giải “một tính cách của Hà Nội”. “Chín bỏ làm mười” cũng được viết theo lối khấp khểnh đó.

7 người kể chuyện lần lượt là: Nam - chú bé mọt sách, bác Biết Tuốt, mẹ Hiếu “cơm”, Tâm “mun”, Lâm đồng cô, dân phòng Đỗ Xuân Biếc và lão Khiêm, thủ từ đền Song Mã; xoay quanh 7 số phận là những mảng sáng - tối của Hà Nội sau cải cách ruộng đất, một xã hội với những con người đã sống và xoay xở, để rồi chọn hay không chọn thứ nghệ thuật sống: “Chín bỏ làm mười”. Có lẽ, chưa bao giờ câu ngạn ngữ “Chín bỏ làm mười” lại hiện lên xót xa đến thế trong một con phố văn học - Hàng Nồi và một ngôi đền văn học - đền Song Mã. Thay vì mang hàm ý nhường nhịn, vì yêu thương nhau mà bỏ qua cho nhau những lỗi lầm, sai sót, thì trong truyện, “chín bỏ làm mười” là những ứng xử mang tính ba phải, xuề xòa. Bởi nếu ai cũng khăng khăng không chịu “chín bỏ làm mười”, thì hẳn cái không gian phố cổ ấy đã vỡ nát, lấy đâu ra sự thuận hòa của các gia đình “tam tứ đại đồng đường”.
Trần Chiến đã thể hiện một khả năng quan sát chi tiết, óc tư duy linh hoạt và ngòi bút sắc sảo để nhận diện tất cả các vấn đề còn khuất lấp trong một khu phố cổ ngày xưa.

Lan Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-khac-la-trong-chin-bo-lam-muoi-313823.html