Hà Nội kết nối đưa các sản phẩm OCOP vào chuỗi siêu thị bán lẻ

Trước nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô về nhiều sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc, đặc sản vùng miền của Hà Nội, cũng như các tỉnh thành trong nước, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, Hà Nội đã thực hiện kết nối đưa nông sản vào chuỗi siêu thị bán lẻ.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. (Ảnh: IT)

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. (Ảnh: IT)

Phát biểu tại Hội thảo Kết nối tiêu thụ sản phẩm theo Chương trình OCOP và đặc sản vùng miền vào hệ thống Siêu thị Big C và Go! Việt Nam vừa được tổ chức sáng nay (8/11), ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản của người dân Thủ đô ra rất lớn, đồng thời, hiện nay Hà Nội có rất nhiều chuỗi mô hình nông sản đảm bảo chất lượng, song nhiều đơn vị sản xuất nông sản vẫn đang loay hoay với bài toàn tìm "đầu ra".

“Nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong 1 tháng khoảng trên 300.000 tấn lương thực thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, gạo khoảng 92.970 tấn/tháng, thịt lợn hơi khoảng 18.594 tấn, thịt gà, vịt 6.198 tấn, thủy, hải sản tươi đông lạnh 5.165 tấn, rau củ khoảng 103.300 tấn, trứng gia cầm khoảng 124 triệu quả... Khả năng đáp ứng các mặt hàng thiết yếu về sản phẩm thực phẩm trên địa bàn thành phố, thịt lợn, thịt gà Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Các mặt hàng khác như: gạo chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, thủy-hải sản chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu, các thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, đáp ứng được rất ít nhu cầu; rau, củ đáp ứng được khoảng 55,7% nhu cầu. Số lượng còn lại nhập tại các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu”, ông Chí thừa nhận.

Theo ông Chí, hiện, toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn hạn chế, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Điển hình như: Trang trại Hoa Viên huyện Thạch Thất; Mô hình sản xuất giống và Hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng; Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, tạo các sông trong ao với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá với mật độ cao ở huyện Ứng Hòa và huyện Chương Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thanh Tâm)

Trong những năm qua, UBND Thành phố luôn quan tâm đến công tác phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do vậy, UBND Thành phố đã phê duyệt một số chương trình, đề án, dự án như: “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, “Đề án phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao”,... nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố và giao Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai thực hiện.

Đến nay, Sở NN&PTNT đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo các vùng sản xuất chất lượng, tập trung.

Các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thực phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đem lại hiệu quả thiết thực. Sản phẩm của các mô hình liên kết ở Hà Nội chủ yếu đưa vào các bếp ăn tập thể, một phần bán tại các của hàng thực phẩm an toàn và số ít đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà hàng, khách sạn lớn của Hà Nội.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2010-2018 là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, với mong muốn phát triển bền vững tại Việt Nam, Central Retail Việt Nam luôn cam kết “đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”. Big C và GO! Việt Nam, một thành viên của Central Retail Việt Nam, có hệ thống phân phối rộng lớn với 37 cửa hàng trên toàn quốc, có mặt tại 22 tỉnh thành và phục vụ hơn 70 triệu lượt khách hàng mỗi năm.

Những năm qua, Big C đã không ngừng nỗ lực để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam bằng những chương trình hành động cụ thể. Trong đó, Chương trình đồng hành cùng OCOP (Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) là một trong những hoạt động tiêu biểu nhất.

Tính đến thời điểm này, Big C đã đồng hành cũng các Bộ, ban, ngành tổ chức thành công 10 tuần hàng OCOP tại Big C Hạ Long, Big C Hà Nội và Big C HCM.

Hiện nay, Big C đang chuẩn bị đưa vào thêm 12 sản phẩm OCOP vào kinh doanh trong hệ thống Big C và GO! Việt Nam , nâng tổng số sản phẩm OCOP kinh doanh tại Big C lên con số: 50 sản phẩm (đến từ nhiều vùng miền trên cả nước).

Kết quả tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của siêu thị Big C Thăng Long cho thấy, siêu thị đã chủ động tổ chức nhiều kỳ, cuộc trưng bày, giới thiệu, quảng bá, liên kết với các cơ sở, đơn vị sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc để tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, có sản lượng ổn định để tiêu thụ vào hệ thống siêu thị.

Siêu thị Big C Thăng Long với sản lượng cung cấp hàng nông sản, thực phẩm đứng đầu trong các hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố với khoảng trên 18.000 mã hàng nông sản, thực phẩm. Trong đó 96% mã hàng của Việt Nam, sản phẩm của Hà Nội chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn với khoảng 200/18.000 mã sản phẩm (chiếm 1,1%). Tuy với số mặt hàng đưa vào siêu thị Big C Thăng Long không nhiều nhưng giá trị sản lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hà Nội lại chiếm tỷ lệ cao, cụ thể sản lượng sản phẩm rau, củ, quả tiêu thụ chiếm 15%, sản lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ chiếm 65%.

Thanh Tâm

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ha-noi-ket-noi-dua-cac-san-pham-ocop-vao-chuoi-sieu-thi-ban-le-post31640.html