'Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không', bản hùng ca bất diệt

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng những bài học lịch sử về nghệ thuật quân sự, về chiến tranh nhân dân, về ý chí, nghị lực của con người... vẫn còn mãi. Hội thảo khoa học Chiến thắng 'Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không' - bản hùng ca bất diệt do Thành ủy Hà Nội tổ chức, một lần nữa khẳng định tính bước ngoặt của cuộc chiến đấu chống lại cuộc tập kích bằng đường không của đế quốc Mỹ vào Hà Nội và các tỉnh phía bắc cuối tháng 12-1972 và những giá trị của nó trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày Mỹ mở chiến dịch ném bom ồ ạt bằng máy bay B-52 và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khác xuống Hà Nội và các tỉnh phía bắc nước ta, nhưng có những vấn đề khoa học, bài học lịch sử cần được làm rõ. Kế thừa các kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được và từ những nguồn tư liệu mới, với quan điểm khách quan, 38 tham luận của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, các nhân chứng trực tiếp chỉ huy, tham gia chiến đấu đã làm sáng rõ nhiều vấn đề, kinh nghiệm, bài học trong trận "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không".

Các tham luận đều khẳng định: Nền tảng của chiến thắng vĩ đại trước cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ là sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Ðảng, Quân ủy Trung ương, sớm lường trước được tình huống và sớm chỉ đạo chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; tiếp đó là sự tích cực, mưu trí, dũng cảm của các lực lượng phòng không - không quân và công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Thủ đô. Trung tướng Nguyễn Thế Kết, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô nhấn mạnh vai trò của quân dân Thủ đô trong chiến dịch: "Trước khi bước vào cuộc quyết chiến chiến lược với không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Hà Nội, lực lượng và thế trận của lực lượng vũ trang Thủ đô đã được xây dựng rộng khắp, cùng với thế trận của quân chủng phòng không - không quân, tạo thành thế trận liên hoàn, hiểm hóc, sẵn sàng tiêu diệt máy bay địch. Với sự điều chỉnh thế trận linh hoạt, sáng tạo, lưới lửa phòng không bảo vệ Thủ đô đã phát huy hiệu quả trong suốt quá trình chiến đấu. Ðó chính là biểu hiện của hào khí Thăng Long - Ðông Ðô - Hà Nội, là kết quả kế thừa, phát huy, đồng thời góp phần làm tỏa sáng giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội".

Ðược chờ đợi nhất là tham luận của những người từng trực tiếp chiến đấu chống lại trận tập kích bằng máy bay B-52 của Mỹ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh khi ấy là trợ lý tên lửa Cục Tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, nhớ lại: "Chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài cho việc B-52 đánh Hà Nội. Về mặt kỹ thuật, ta đã cải tiến khí tài tên lửa, giúp chống nhiễu, chống mất điều khiển, hiệu chỉnh tất cả các máy đo của khí tài, tên lửa. Nhưng khi sắp đến thời điểm quyết định, anh em chúng tôi lo lắm. Sức tàn phá của B-52 là vô cùng ghê gớm. Chiều 18-12-1972, tin tình báo cho biết máy bay B-52 đã cất cánh từ đảo Gu-am. Việc biết trước thời điểm chúng ném bom vài tiếng là vô cùng quý giá. Chúng tôi đã xin phép Ðại tướng Võ Nguyên Giáp kéo còi báo động sớm hơn thường lệ. Khi máy bay địch vào, cả Hà Nội rung chuyển, bầu trời đỏ rực. Ðến 20 giờ 18 phút, Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo tên lửa đã bắn rơi một máy bay B-52 ở huyện Ðông Anh. Chúng tôi ôm nhau reo lên sung sướng". Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, kinh nghiệm tác chiến là phải chuẩn bị hết sức chu đáo, cùng với đó là sự gan dạ, thông minh của các kíp chiến đấu khi bật các thiết bị ra-đa. Thiếu tướng khiến mọi người xúc động khi ông nhớ lại: "Khi được phép báo động, rồi tiếng còi báo động rú lên, tôi cứ tự nói với mình: Ðồng bào ơi, xuống hầm đi, xuống hầm đi".

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - người trực tiếp bắn rơi máy bay B-52, kể lại: Mỹ định dùng B-52 rải thảm Hà Nội, nhưng chỉ có hai vệt bom rơi vào nội thành, một vệt rơi vào Bệnh viện Bạch Mai và một vệt xuống phố Khâm Thiên, còn hàng trăm lần khác, các tốp máy bay không thể bay vào Hà Nội được, nhờ đó thành phố và các cơ quan trung ương gần như còn nguyên vẹn, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.Trung tướng Phạm Tuân phân tích: "Ðiều cốt lõi nhất là sự sáng suốt của Ðảng, của Bộ Chỉ huy tối cao khi đánh giá đúng tương quan giữa ta và địch; phán đoán trước địch sẽ dùng B-52 đánh vào Hà Nội, cho nên có sự chuẩn bị lực lượng. Ngoài ra, chúng ta đã xây dựng lực lượng, con người với bản lĩnh, ý chí và trí tuệ. Nhân tố cuối cùng là nhờ có sự hiệp đồng tác chiến, thế trận chiến tranh nhân dân, sự phối hợp tác chiến quân binh chủng đã tạo nên sức mạnh tổng thể".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Ðảng, người chứng kiến từ trận đánh đầu tiên đến trận cuối cùng, chia sẻ: "Tại sao người dân Hà Nội lúc đó lại bình tĩnh đến lạ lùng như vậy, không hề đau đớn, khiếp sợ trước hành động của kẻ thù? Chính niềm tin, bản lĩnh, khí phách ấy đã làm nên chiến thắng. Vì thế, Hà Nội mới là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".

Hội thảo đã góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không", là cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ Thủ đô. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ðào Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội cho rằng, cần phải tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Thủ đô để luôn nhắc nhở họ hiểu rõ về giá trị của độc lập, tự do của Tổ quốc, tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam anh hùng.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/35070102-ha-noi-%C3%B0ien-bien-phu-tren-khong-ban-hung-ca-bat-diet.html