Hà Nội hướng đến 'xanh - sạch - đẹp': Quản lý chặt nguồn phát thải rác

Mỗi ngày, trên địa bàn Thành phố Hà Nội, phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó, rác thải nhựa chiếm đến 8 - 10%... Để thu gom, vận chuyển, xử lý số rác thải khổng lồ này là bài toán không dễ.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội ghi hình xả rác bừa bãi ở phố đi bộ Hoàn Kiếm

Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội ghi hình xả rác bừa bãi ở phố đi bộ Hoàn Kiếm

Từ cam kết của người đứng đầu UBND Thành phố…

Trong bài phát biểu hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại “Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa” ngày 9/6/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Xây dựng Thủ đô Hà Nội hướng tới phát triển bền vững, với yêu cầu phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, với phát triển kinh tế, trong đó, chú trọng việc bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại… Đó là cam kết của Thành phố về thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia.

Để thực hiện cam kết này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp, biện pháp trọng tâm trong đó nhấn mạnh: Mục tiêu đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông; nắm bắt tình hình các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sử dụng rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng để có các các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đưa danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa…

Xe quét đường trên phố đi bộ Hoàn Kiếm

Đồng thời, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn… “Bằng những hành động thiết thực và cụ thể nêu trên, tôi tin tưởng rằng, với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, TP. Hà Nội cùng với cả nước sẽ thực hiện thành công, có hiệu quả Phong trào “Chống rác thải nhựa” góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường chung của chúng ta” - ông Nguyễn Đức Chung nói.

… đến câu chuyện làm gì để quản lý tốt nguồn thải

Rác thải của Hà Nội bắt đầu từ đâu? Câu trả lời tưởng như dễ nhưng lại rất khó để trả lời một cách khoa học khi “chạm” đến một câu chuyện rất quan trọng. Đó là việc quản lý tốt nguồn phát thải rác ra môi trường Thủ đô.

Chúng tôi cũng thấy được tâm tư này khi trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) Lê Anh Tuấn. Theo người đứng đầu URENCO, để quản lý tốt nguồn phát thải rác thải, chúng ta có thể trả lời câu hỏi: Rác từ đâu ra?

Ông Lê Anh Tuấn phân rác thải của Hà Nội theo 6 loại: Thứ nhất, rác thải là phế thải xây dựng, là vật liệu xây dựng vương vãi. Thứ hai, rác thải công nghiệp đó là loại rác từ các nhà máy, công ty, xí nghiệp, là các loại phế phẩm như: da dày thừa, vải thừa… Thứ ba, rác từ nhà hàng, quán ăn, cửa hàng dịch vụ… đổ ra đường. Thứ tư, rác từ các hộ dân. Thứ năm, rác từ khách du lịch. Thứ sáu, rác “từ trên trời rơi xuống” - đó là các loại rác do thiên tai lá cây rụng theo thời tiết mưa gió, dưới đất đùn lên do ngập...

Vậy chúng ta quản lý những loại rác trên theo cách nào? Đó là câu chuyện tưởng mới mà rất cũ. Trừ loại rác “từ trên trời rơi xuống”, còn lại cả 5 loại rác trên đều có thể quản lý tốt được.

Sử dụng xe tải nhỏ thu gom rác trên phố đi bộ Hoàn Kiếm

Với rác thải là phế thải xây dựng, vật liệu xây dựng rơi vãi, nếu chính quyền Hà Nội, nhất là các lực lượng như: Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, trật tự đô thị… kiên quyết ngăn chặn trong đó xử phạt nặng các trường hợp để vật liệu xây dựng rơi vãi trong khi vận chuyển hoặc đổ trộm bừa bãi, chắc chắn tình trạng này sẽ bớt đi đáng kể. Còn với rác từ nhà hàng, cửa hàng dịch vụ, quán ăn nhất là quán ăn vỉa hè… đổ ra đường, chúng ta giải quyết bằng cách nào? Theo nhiều chuyên gia, điều này sẽ bớt đi nếu chính quyền các phường, xã của Thủ đô làm tốt công tác quản lý, trong đó có xử phạt, phạt nguội bằng hệ thống camera an ninh, camera dấu kín...

Nóng nhất là rác thải sinh hoạt

Câu chuyện nan giải nhất chính là lượng rác thải khổng lồ từ các hộ dân sống trên địa bàn Thủ đô thải ra môi trường mỗi ngày. Trong khi câu chuyện phân loại rác tại nguồn chưa làm được thì giải quyết lượng rác thải này như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Xuân Huynh, Phó Tổng Giám đốc URENCO cho biết: Năm 2000, khi sang Nhật Bản, ông đã thấy cách họ phân rác tại nguồn cụ thể và chặt chẽ. Người dân Nhật Bản dán tem thu phí vào các túi rác thải đã phân theo loại của nhà mình. Nghĩa là túi 5kg bao nhiêu tiên, túi 10kg bao nhiêu tiền... ai không dán mà túi rác bỏ ra ngoài thì không thu, để lại ở cửa và phạt lần sau, vì thế, người dân chấp hành dán tem hết.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia môi trường, câu chuyện ở đây là quản lý nguồn rác, chính quyền phải quản lý được, rác nhà ai phải có chủ; rác khi đã xác định được có chủ phải đi đúng đường của nó, chủ đi sai phải bị phạt. Vậy, ai làm được việc đó? Chỉ có thể là chính quyền các cấp đặc biệt là ở cơ sở.

Về giải pháp căn cơ, Chủ tịch Hội đồng thành viên URENCO Lê Anh Tuấn cho rằng, phải nhận diện rác, xác định rõ chủ nguồn thải, quản lý chủ nguồn phát thải, quản lý nguồn phát sinh rác là xong. Sau đó, cần vận động và dần bắt buộc người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tiếp đến tách ra những loại tái chế được gồm có giấy, vỏ chai, nhựa, ni lông nhựa. Người công nhân môi trường sẽ đến thu gom rác, kèm theo những thứ tái chế được thì URENCO sẽ mua, việc này công ty đang đề xuất cơ chế. Còn nếu lượng rác tái chế được có số lượng ít quá, người dân cứ vứt ra, thì người công nhân đi thu gom được. Để làm được điều này, cần tạo cho doanh nghiệp một vị trí đất, ví dụ như các dự án treo để tập kết về, ép lại và bán cho nơi xử lý.

Việc thứ hai, Chủ tịch URENCO cho rằng, với vỏ giấy tập kết, có một đơn vị được chỉ định đến cùng với công ty thu mua lại để tái chế. Đó là bước đầu tiên trong việc quản lý nguồn phát thải và phân loại, tạo thói quen cho người dân tách đồ nhựa ra. Sau này, khi người dân đã quen, họ sẽ tách được rác là thực phẩm, những thứ không cháy được để tái sử dụng. Đây là một ý tưởng ban đầu của URENCO và UBND quận Hoàn Kiếm để chung tay bảo vệ môi trường. Và sắp tới, Hoàn Kiếm sẽ là nơi đầu tiên nhận diện rác.

Song song với đó, theo dự kiến đến khoảng cuối năm 2020 sang năm 2021, khi Hà Nội có nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt, sẽ tách ra loại đốt được và không đốt được. Còn bước đầu là quản lý nguồn phát thải và thu hồi đồ tái chế. Bây giờ, chúng ta không thể ngăn chặn rác thải nhựa được thì phải quản lý nó, tức là giảm thiểu và kiểm soát nguồn rác thải một cách tốt nhất.

Hoàng Thắng - Hải Ngọc

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/ha-noi-huong-den-xanh-sach-dep-quan-ly-chat-nguon-phat-thai-rac-1270895.html