Hà Nội: Hướng dẫn người dân xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa lũ
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6.9 đến ngày 13.9), toàn thành phố ghi nhận 227 ca mắc Sốt xuất huyết, 52 ca mắc tay chân miệng, 01 ca sởi, 03 ca mắc ho gà, 01 ca liên cầu lợn.
Cụ thể, tuần qua thành phố ghi nhận 227 ca Sốt xuất huyết, 0 ca tử vong; tăng 37 trường hợp so với tuần trước (190/0). Bệnh nhân phân bố tại 27 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Phúc Thọ.
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Tân Hội, Đồng Tháp, Phương Đình thuộc huyện Đan Phượng; Dương Nội, Hà Đông; Hữu Bằng, Thạch Thất; Đông La, Hoài Đức; Phụng Thượng, Phúc Thọ. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 2.966 trường hợp, 0 ca tử vong, giảm 71,4% so với cùng kỳ năm 2023 (10.372/3).
Trong tuần ghi nhận 09 ổ dịch Sốt xuất huyết tại các đơn vị: Ba Đình, Đan Phượng, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Oai, Thạch Thất; giảm 01 ổ dịch so với tuần trước (10 ổ dịch). Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 142 ổ dịch, còn 18 ổ dịch đang hoạt động.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội nhận định, đánh giá dịch Sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hàng năm (tháng 9 đến tháng 11), với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Đồng thời, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc Sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận 52 ca mắc Tay chân miệng, 0 ca tử vong, tăng 22 ca so với tuần trước (30/0). Một số đơn vị nhiều bệnh nhân như: Mê Linh, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Đông Anh. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 1.961 ca mắc, 0 ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (1.518/0). Trong tuần không ghi nhận ổ dịch, cộng dồn năm 2024 ghi nhận 41 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.
Ngoài ra, thành phố ghi nhận 01 trường hợp mắc Sởi tại Ứng Hòa, xâm nhập từ Thanh Hóa, 0 ca tử vong. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 04 trường hợp, 0 tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0/0).
Bệnh Sởi có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa. Tại Hà Nội, đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc Sởi trên địa bàn, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là vào 03 tháng cuối năm 2024.
Thành phố ghi nhận 03 trường hợp Ho gà, 0 tử vong, tăng 02 trường hợp so với tuần trước (1/0); cộng dồn năm 2024 ghi nhận 228 trường hợp tại 29 quận, huyện, thị xã; 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. 01 ca mắc Liên cầu lợn tại Hoàn Kiếm, 0 tử vong; cộng dồn năm 2024 ghi nhận 08 ca, 01 tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (15/2).
Các dịch bệnh khác như: Viêm não Nhật Bản, Não mô cầu, Rubella… không ghi nhận trong tuần.
Tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực ca bệnh, ổ dịch. Giám sát các ổ dịch Sốt xuất huyết tại Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa lũ tại Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai.
Trong tuần tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa bão tại: Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì. Thực hiện giám sát khu vực ổ dịch Sốt xuất huyết đang hoạt động tại Ba Đình và Hai Bà Trưng.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực có nguy cơ cao và khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt. Phối hợp với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại khu vực có nguy cơ sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.
Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để, kịp thời ca bệnh, ổ dịch trong và sau ngập lụt như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn…
Đồng thời, tăng cường truyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt theo khuyến cáo của ngành Y tế.